Joker là nạn nhân của xã hội hay hiện thân cho cái ác bản năng?

Bình luận phim Joker với câu hỏi ở tiêu đề rằng Joker có thật sự là biểu tượng cho nạn nhân của xã hội hay không? Bài viết thể hiện cảm nhận chủ quan của người viết.

Bài viết bình luận phim Joker thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, có thể chứa một số tình tiết spoil. Bản thân người viết không đọc comic và chưa xem “The Dark Knight (2008)”. Vậy nên bài viết chỉ đề cập đến Joker phiên bản 2019 mà sẽ không có sự so sánh đối chiếu với các phiên bản trước đó.

Xem thêm:

Trước tiên để nói về Joker, với giải thưởng Sư Tử Vàng danh giá, chắc chắn mỗi khán giả khi ra rạp đều mang tâm thế đi xem một tuyệt tác điện ảnh của năm. Cá nhân tôi cũng đã ra rạp với một tâm thế như vậy nhưng sau cùng, khi bộ phim kết thúc thì cảm xúc đọng lại có phần thất vọng và chưa thoả mãn. Joker rõ ràng không phải một bộ phim không hay, nhưng có lẽ chưa thật xuất sắc như những lời ca ngợi có cánh ngập tràn mạng xã hội những ngày này.

Trở lại với câu hỏi ở tiêu đề rằng Joker có thật sự là biểu tượng cho nạn nhân của xã hội hay không? Có lẽ khi xem hơn nửa đầu phim thì điều này khá rõ ràng và không phải bàn cãi. Ở Arthur hội tụ đủ tất cả những bi kịch để trở thành một nạn nhân khốn khổ trong một xã hội mục ruỗng và giả tạo. Cuộn đời Arthur chẳng hơn là gì một vở hài kịch từ đầu chí cuối. Ngay từ căn bệnh tâm thần khiến anh ta có thể bất ngờ cười liên tục không dừng đã như một trò đùa của Chúa Trời bởi Arthur chẳng bao giờ bật cười không ngừng khi hạnh phúc, vui vẻ mà lại chỉ phát bệnh mỗi khi buồn bã, thất vọng hay phải nhận tổn thương tinh thần. Vậy nên những tràng cười điên loạn không dứt ấy vô tình lại trở thành lớp mặt nạ che đậy cho những khổ đau không thể giãi bày. Còn gì nghiệt ngã hơn khi người ta đau khổ mà không thể nhỏ một giọt nước mắt nào để nhận lấy dù là vài lời an ủi bố thí hoặc một sự đồng cảm giả dối, thay vào đó lại chỉ có thể cười lên những tiếng cười man dại, để rồi đổi lấy trăm ngàn ánh mắt kì thị và sự xa lánh của xã hội.

Đau khổ được bộc lộ bằng tiếng cười là một nghịch lý trớ trêu xuyên suốt trong “Joker” về sự đối lập giữa cái bên trong và những gì biểu lộ bên ngoài, về những bộ mặt hạnh phúc giả dối của con người. Chưa dừng lại với căn bệnh quái ác, ngay cả cái tên mà người mẹ đặt cho Arthur cũng là một ẩn dụ về áp lực mà xã hội đè nặng lên những con người đang sống. Mỗi kẻ tồn tại trên cõi đời này dường như đều luôn phải đeo một lớp mặt nạ hạnh phúc giả tạo để che giấu đi những cảm xúc thật, cũng giống như Arthur phải mang cái tên “Happy” theo suốt cuộc đời đầy đau khổ của mình. Với một kẻ khốn cùng như Arthur, cái tên đó chẳng khác nào trò đùa trớ trêu của tạo hoá, một nghịch lý và một sự áp đặt của xã hội giả dối. Khi người ta được gắn cho cái tên “vui vẻ”, có lý gì lại được phép buồn bã và đau khổ, kể cả có buồn bã và đau khổ, ngoài kia vẫn sẽ gọi họ là một kẻ “vui vẻ” mà thôi. Arthur không chỉ được xây dựng như một diễn viên bất hạnh luôn phải mang bộ mặt gã hề để mua vui cho thiên hạ dưới ánh đèn sân khấu mà hắn thực chất được dựng nên là một con người khốn khổ đã sống như một thằng hề với cuộc đời không hơn gì vở bi hài kịch.

Quá trình tha hoá nhân cách của Arthur hầu không có gì mới so với những dự đoán của người xem. Rất đáng tiếc là với cách dẫn dắt có phần dễ đoán và cách khắc hoạ chuyển biến tâm lý nhân vật chưa thật sắc sảo, quá trình biến đổi về con người của nhân vật chính khá dài dòng. Việc nhồi nhét liên tục những sự kiện có tính bước ngoặt cạnh nhau trong một khoảng thời gian ngắn có phần khiên cưỡng và thiếu điểm nhấn sáng rõ. Phân cảnh đắt giá nhất ở đoạn này có lẽ thuộc về phân cảnh Joker một mình nhảy múa trong phòng vệ sinh công cộng, với lớp hoá trang lem luốc ngay sau khi vừa nổ súng giết người. Không phải sự hoảng loạn cùng cực, không phải sự hối hận muộn màng, thứ còn lại chỉ là một sự bình thản đến lạnh người khi hắn nhẹ nhàng nhấc chân, đi những bước nhảy điêu luyện, giống như tất cả những màn gió tanh mưa máu vừa rồi chỉ là một vở hài kịch trào phúng mà nay đã đến lúc hạ màn bằng một điệu nhảy tuyệt đẹp từ người diễn viên chính. Phân cảnh như hồi chuông cảnh báo cho những diễn tiến tồi tệ phía trước, khi Arthur đã dần mất đi phần con người, phần nhân tính để cuối cùng hoá thành một kẻ giết người man dại. Từ giây phút đó, Arthur dần dần lún vào vòng xoáy của số phận nghiệt ngã, chỉ có điều, giữa những biến cố thăng trầm ấy, hắn ta vẫn cứ luôn là một gã hề mải mê xoay tròn trong vũ khúc của vở hài kịch cuộc đời.

Một điều nữa là điểm trừ cho bộ phim khi tất cả những triết lý, tư tưởng, thông điệp đều được giải thích quá mức rõ ràng và thể hiện bằng những câu thoại thẳng đuột. Một bộ phim hay sẽ thiên về hướng đặt ra những vấn đề chưa có lời giải, gieo vào tâm trí người xem những câu hỏi rộng lớn hơn bất kì một câu trả lời cụ thể nào. Nếu như người ta thi nhau ví Joker là Chí Phèo của thành phố Gotham thì tôi vẫn cảm thấy Nam Cao hơn hẳn một bậc khi ông không để cho nhân vật của mình tự nói ra những triết lý cao siêu, đầy tính sách vở tựa như một kẻ thấu suốt nhân sinh mà ông để tư tưởng lớn của tác phẩm thể hiện chỉ qua một câu hỏi đau đớn “Ai cho tao lương thiện?”. Còn với Joker, thật mất hết khéo léo khi để bản thân nhân vật tự đứng lên trực tiếp chì chiết xã hội khiến thông điệp đưa ra một cách lộ liễu, phô trương, khiên cưỡng và thiếu sức tạo dư âm, ám ảnh cho người xem. Việc phô bày trực diện những điều cốt yếu nhất của bộ phim bỗng làm khán giả chẳng còn nhiều điều phải trăn trở, chẳng còn nhiều điều phải hoài nghi, chẳng còn những câu hỏi ngân vang và thế là sức hấp dẫn của Joker sụt giảm chính bởi sự thiếu khéo léo khi lồng ghép triết lý, tư tưởng. Phải chăng, bản thân Todd Phillips đã hơi tham vọng, ôm đồm khi muốn cài cắm và truyền tải quá nhiều điều cùng lúc: chính quyền giả dối, truyền thông giả dối, xã hội giả dối, con người giả dối; những vô cảm, thờ ơ của loài người; bi kịch của những kẻ dưới đáy xã hội và cả sự lên ngôi của cái ác, của cái bạo lực, điên cuồng. Quá nhiều thứ được phô bày trong Joker vô tình khiến cho tư tưởng chính của bộ phim bị loãng và cuối cùng, được giải thích rõ ràng, cặn kẽ đến mức bản thân người xem cũng chẳng còn nhiều điều để chất vấn, trăn trở.

Toàn bộ lời khen tôi xin dành cho phân cảnh áp chót của bộ phim, sau khi Joker nổ súng giết chết Murray Franklin trên sóng truyền hình. Ngay sau phát súng ấy, toàn bộ thành phố Gotham như bùng nổ, trở nên cuồng loạn và hỗn độn hơn bao giờ hết. Joker bị bắt ngay lập tức nhưng ảnh hưởng hắn tạo ra đã kịp thời bao phủ toàn thành phố, trở thành mội hiện tượng không gì ngăn nổi. Một con người nhỏ bé cũng có thể là người khơi mào làn sóng sục sôi, khuấy đảo toàn bộ đám đông khi hắn dám làm điều chẳng ai dám làm: Bắn phát súng kết liễu vào bộ mặt giả dối của xã hội. Đáng nói là chẳng đợi đến khi hắn trực tiếp giết người trên truyền hình mà ngay từ khi Arthur gây ra thảm án ở ga tàu, hắn ta đã trở thành một hiện tượng của thành phố, gây nên những cuộc biểu tình rộng khắp. Một xã hội mà khi kẻ giết người bỗng trở thành người hùng của nhân dân thì xã hội ấy đã phải mục ruỗng đến thế nào? Xã hội ấy phải loạn lạc đến đâu để tất cả những chính khách, những người nổi tiếng của truyền thông đều chẳng thể gây nên một sức ảnh hưởng mạnh mẽ bằng một tên sát nhân vô danh. Xã hội ấy phải đáng ghê tởm và giả dối đến mức nào để một tội ác như giết người lại trở thành hành động bản năng nhất, con người nhất giữa vô vàn những điều đẹp đẽ giả tạo được tô vẽ . Và trong một xã hội hào nhoáng, tội ác của Joker cũng đồng thời trở thành sự cứu rỗi để con người tìm về đối mặt với phần chân thật nhất, phần tâm can nhất của chính con người.

Tôi vẫn không sao quên được hình ảnh khi toàn bộ thành phố Gotham đang chìm trong khói lửa, bạo loạn thì Joker, tựa đầu vào cửa kính xe, nhìn ngắm tất cả mớ hỗn độn mình gây và rồi bật cười thoả mãn: “Không phải thành phố thật đẹp sao?”. Thành phố ngập ngụa trong bạo lực, máu tanh, nơi trật tự đảo lộn hoàn toàn và cái ác lên ngôi tuyệt đối lại đẹp đến thế sao? Là vì trong mắt một kẻ điên loạn như Joker thì thành phố tang tóc ấy bỗng trở nên đẹp đẽ hay là vì cuối cùng con người ở đây đã dám trút bỏ lớp mặt nạ giả dối, sống và hành động một cách bản năng nhất , vậy nên nó đẹp bởi không còn những sự tô vẽ hào nhoáng, không còn khuôn khổ đè nén mà chỉ còn bản năng thuần tuý?

Hình ảnh Joker đứng giữa đám đông, trong sự tôn thờ và kính ngưỡng, chẳng khác nào hình ảnh của một vị Chúa cứu thế, một người hùng, một vị thánh thần ban phát phước lành để cứu rỗi những kẻ lầm than. Joker cuối cùng cũng bước lên được đỉnh cao của cuộc đời, trong một phút giây chớp nhoáng, hắn ta đã chiếm trọn ánh đèn sân khấu, hưởng trọn những hào quang trong một xã hội đã hoá cuồng loạn. Trật tự thành phố đã đảo lộn hoàn toàn khiến cho người xem phải rùng mình tự hỏi rằng có phải khi con người ta sống trong khuôn khổ và bị đè nén quá lâu, thì đến một lúc nào đó, những tội ác phi lý sẽ trở thành thứ được tôn thờ và lên ngôi. Đến phân đoạn này, tôi đã không còn xem Joker là hiện thân đáng thương cho những nạn nhân bị đối xử bất công của xã hội nữa.

Dưới mắt nhìn của tôi, Joker trở thành đại diện cho mặt khuất trong mỗi con người hiện đại. Joker vừa là hiện thân cho phần yếu đuối, phần khao khát được yêu thương, khao khát được xã hội chấp nhận mà bị chối bỏ, lại vừa là hiện thân cho cái ác tiềm tàng, cho sự bạo lực có sẵn của con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hành động của Joker lại gây nên làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy. Nếu không phải vì trong mỗi kẻ đều luôn có sẵn một khát khao giải phóng phần bản năng nhất, tăm tối nhất, bạo lực nhất khỏi những ràng buộc đạo đức thì liệu tội ác của Joker có trở thành hiện tượng như vậy hay không? Có lẽ, chẳng phải chỉ riêng Joker mới có thể điên loạn như vậy mà kẻ nào trong chúng ta cũng mang những suy nghĩ đầy tính bản năng và ngông cuồng; chỉ đợi đến khi xã hội này đủ mục ruỗng để con người trượt khỏi đường ray đạo đức, vượt ra những khỏi những luân lý chuẩn mực thông thường và đồng thời xuất hiện một kẻ dám đứng lên phá bỏ mọi ràng buộc, lề lối xã hội, thì bạo lực và cái ác dễ dàng lên ngôi như một bản năng tất yếu của con người.

Joker (2019) chưa thật xuất sắc nhưng vẫn là một bộ phim đáng ra rạp xem. Todd Phillips dù khá tham vọng và ôm đồm dẫn đến những điểm chưa thoả đáng trong nội dung phim nhưng cũng đã làm rất tốt ở phần hình ảnh, âm thanh, dựng cảnh, … ( và đặc biệt gây ấn tượng ở cách sử dụng các gam màu). Đồng thời cũng không thể quên diễn xuất xuất sắc của Joaquin Phoenix đã làm nên điểm nhấn rực rỡ cho bộ phim.

Bản thân tôi khẳng định rằng Joker không phải một phim cổ suý cho bạo lực và bạo loạn. Mặc cho những tồn tại, hạn chế về mặt nội dung thì yếu tố bạo lực trong phim có thể xem là lời cảnh báo cho sự lên ngôi của bạo lực và cái ác, cho sự giải phóng những bản năng đen tối của con người. Kết lại, nếu chúng ta coi Joker như là biểu tượng tiêu biểu cho những nạn nhân khốn cùng, cá nhân tôi thấy vài phần chưa thoả đáng bởi Joker là nhân vật được xây dựng độc đáo, mang tính cá nhân cao và vì thế mà thiếu đi sức khái quát diện rộng. Joker có lẽ chính xác nhất, là đại diện cho cái ác trỗi dạy mạnh mẽ, cho việc bản năng lên ngôi lấn át mọi quy chuẩn đạo đức trong một xã hội hiện đại giả dối, mục ruỗng và đầy bất công. Đừng phủ nhận bạo lực, bởi bạo lực là bản chất có sẵn của con người và mỗi chúng ta đều có thể trở nên mất kiểm soát trước những thúc ép giải phóng phần bản năng nhất, tựa như một Arthur thứ hai mà thôi!

Ký ức điện ảnh – Cinema Lover