Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh Comic

Dù cực kỳ nổi bật và được đông đảo công chúng đón nhận, nhưng cũng không phải là tất cả của truyện tranh comic. Vậy, trong suốt lịch sử phát triển của mình, comic có những gì?

Nhắc đến khái niệm truyện tranh “comic”, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các bộ truyện tranh siêu anh hùng của Mỹ, DC, Marvel và các bộ phim bom tấn chuyển thể trong suốt 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, comic không chỉ có siêu anh hùng, đó là cả một quá trình hình thành và phát triển đầy biến động liên quan đến các sự kiện lịch sử và văn hóa từ những giai đoạn đầu tiên cho đến ngày hôm nay.

Xem thêm:

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh comic

A. Định nghĩa truyện tranh “comic” bắt nguồn từ đâu?

Ngày nay, “comic” được coi là danh từ dùng để chỉ truyện tranh (Anh ngữ, Pháp ngữ,…), và được dùng như một cách để phân biệt với “manga” (truyện tranh Nhật Bản).

Trong tiếng Anh, tính từ “comic” có ý nghĩa là “gây cười, vui vẻ”; còn danh từ “comic” được chỉ đến hai đối tượng: người kể chuyện cười (tương đồng với “comedian”) – truyện tranh. Xét về mặt từ nguyên, tính từ “comic” bắt nguồn từ từ Latinh “comicus” (hài kịch), hoặc từ Hy Lạp “komikos” (hài kịch), “komos” (liên quan đến hài kịch). Đến năm 1791, thì được dùng với nghĩa là “vui vẻ”.

Danh từ “comic” được dùng để nhắc đến người viết hài kịch vào những năm 1580. Đến những năm 1610 thì được dùng để chỉ diễn viên hài. Tính từ “comicus” trong tiếng Latin còn mang nghĩa là bài thơ hoặc bài văn hài trong hài kịch. Ý nghĩa người kể chuyện cười chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 1952.

“Comic” dùng để chỉ những sản phẩm tranh hài hước trên báo, tạp chí bắt đầu từ năm 1890. Và ý nghĩa truyện tranh chỉ được sử dụng từ năm 1941 trở đi.

Như vậy, bản chất ban đầu của truyện tranh comic là yếu tố hài hước, bất kể là trong kịch, tranh vẽ hay để minh họa truyện. Tuy nhiên, cho đến nay, yếu tố hài hước, gây cười dường như đã mai một khi nhắc đến “comic”. Thay vào đó, ý nghĩa truyện tranh lấn át nhiều hơn. “Comic” giờ đây trở thành một thể loại, một đối trọng với manga.

Comic có một sự khác biệt về bản chất so với manga. Trong tiếng Nhật, xét về mặt ý nghĩa từ, “manga” có nghĩa là mạn họa, tức là những bức vẽ tràn trên trang giấy. “Manga” không bao gồm sự phản ánh nội dung của tranh vẽ, không đặt ra yêu cầu về tính chất của những bức hình. Còn “Comic” lại đặt tiêu chuẩn về sự hài hước lên đầu.

Trong phạm vi tìm hiểu, “comic” sẽ được sử dụng với nghĩa truyện tranh: tức là các hình vẽ được sắp xếp theo ý đồ nhất định, nhằm thể hiện một nội dung nào đó. Độ phức tạp của nội dung và sự sắp xếp có thay đổi theo thời gian.

B. Truyện tranh Comic hình thành và phát triển như thế nào?

Tiền đề

Nguồn gốc đầu tiên của truyện tranh bắt đầu từ những bức minh họa trên hang động được tìm thấy ở Hy Lạp vào những năm 1700 TCN, hoặc những tượng hình trên vách đá Ai Cập vào những năm 1300 TCN.

Những bức minh họa trên hang động được tìm thấy ở Hy Lạp
Những bức minh họa trên hang động được tìm thấy ở Hy Lạp

Một bức tranh hang động từ các hang động tại Lascaux ở Pháp. Vẽ tranh hang động là hình thức nghệ thuật tuần tự được biết đến sớm nhất. Thường mô tả động vật, hoặc minh họa về cuộc săn lùng thức ăn của bộ lạc thời tiền sử.

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh comic

Các nhà cai trị Ai Cập được coi là các vị thần và được bất tử trong chữ tượng hình Ai Cập bên trong các kim tự tháp vĩ đại. Đây là từ ngôi mộ của Neferronpet, triều đại thứ mười chín, khoảng năm 1300 trước Công nguyên

Một ví dụ khác về truyện tranh sớm là cột Trajan ở Rome. Cột Trajan được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hoàng đế Trajan trong cuộc chiến tranh Dacian, vào khoảng những năm 107 – 113 SCN. Cột Trajan khắc họa lại 2 chiến dịch quân sự thắng lợi của Trajan trước quân Dacian.

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh Comic
Cột Trajan khắc họa lại 2 chiến dịch quân sự thắng lợi của Trajan trước quân Dacian.

Những minh họa như trên cũng tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử hội họa, điêu khắc phương Tây, trở thành tiền đề cho truyện tranh comic sau này.

Sau khi có báo in, có một sự phân biệt giữa từ ngữ và hình ảnh (hình minh họa và loạt chú thích đi kèm), truyện tranh đầu tiên ra đời với hình thức hình ảnh và dòng chữ minh họa xuất hiện ở phía trên hoặc dưới mỗi hình.

Người đi đầu trong hình thức truyện kể này là William Hogarth (1697–1764). Ông đã tạo ra những bộ tranh liên tiếp có cùng một chủ đề đạo đức, và mỗi bức tranh đều có sự liên kết với nhau cùng dòng chú thích để dẫn dắt người xem.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Marriage A-la-Mode”, được ông sáng tác trong 2 năm 1743 – 1745, kể về một cuộc hôn nhân sắp đặt, mà trong cuộc hôn nhân đó, không có một ai hạnh phúc. (Nội dung có thể tìm được trên wiki).

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh Comic
Tác phẩm “Marriage A-la-Mode”.

Những ấn phẩm như trên được sử dụng như phương tiện minh họa cho một bình luận về các vấn đề chính trị và xã hội, đạo đức. Những minh họa đó được biết đến như “cartoons” vào năm 1842. Ngay sau đó, các nghệ sĩ đã thử nghiệm thiết lập một chuỗi hình ảnh để tạo ra một câu chuyện.

Lúc đầu, truyện tranh chỉ có những dòng chữ ngang, sau đó George Cruikshank (thế kỷ 18) đã cải tiến thành dạng hộp, lấy cảm hứng từ chiếc hộp có chứa những đoạn thơ Torah được một số người Do Thái đeo khi cầu nguyện. Về sau, dạng hộp được cải tiến thành dạng tròn, và được gọi là “bong bóng lời nói”.

Bong bóng lời nói không được giới thiệu lại cho đến khi Richard F. Outcault (thế kỷ 19) đã sử dụng chúng để mô tả các cuộc hội thoại.

Những bộ truyện tranh đầu tiên

The Glasgow looking Glass, xuất bản năm 1826, được cho là tạp chí truyện tranh đầu tiên.

Rodolphe Töpffer, một nghệ sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ, là một nhân vật quan trọng trong đầu thế kỷ 19. Mặc dù những quả bóng lời nói đã rơi khỏi sự ưu ái trong giữa thế kỷ 19, những câu chuyện được minh họa tuần tự của Töpffer, với các văn bản được sắp xếp bên dưới hình ảnh, đã được in lại trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Việc thiếu luật bản quyền vào thời điểm đó làm cho các bản lậu xuất hiện tràn lan và được dịch ở nhiều quốc gia khác.

The Glasgow looking Glass , xuất bản năm 1826
The Glasgow looking Glass, xuất bản năm 1826.

Năm 1843, Töpffer đã chính thức hóa những suy nghĩ của mình về câu chuyện bằng tranh trong Tiểu luận về Sinh lý học của mình:

“To construct a picture-story does not mean you must set yourself up as a master craftsman, to draw out every potential from your material—often down to the dregs! It does not mean you just devise caricatures with a pencil naturally frivolous. Nor is it simply to dramatize a proverb or illustrate a pun . You must actually invent some kind of play, where the parts are arranged by plan and form a satisfactory whole. You do not merely pen a joke or put a refrain in couplets. You make a book: good or bad, sober or silly, crazy or sound in sense.”

(Để xây dựng một câu chuyện bằng tranh không có nghĩa là bạn phải trở thành một nghệ nhân bậc thầy, để rút ra mọi tiềm năng từ những gì bạn có. Nó cũng không phải là bạn chỉ tạo ra những bức tranh biếm họa chì theo cách tự nhiên phù phiếm. Cũng không chỉ đơn giản là kịch tính hóa một câu cách ngôn hay minh họa một kiểu chơi chữ. Bạn thực sự phải phát minh ra một vài cách thức thể hiện, cách mà từng phần được ghép nối với nhau theo một kế hoạch và dựng lên một toàn thể thỏa đáng. Bạn không thực sự viết ra một trò đùa hay tạo điệp khúc cho đôi câu thơ. Bạn làm ra một cuốn sách: tối hoặc xấu, đứng đắn hoặc ngốc nghếch, điên rồ hoặc hợp lý.)

Năm 1845, những bức vẽ châm biếm, thường xuyên xuất hiện trên báo và tạp chí, đã có được một cái tên: cartoon.

Truyện tranh hàng tuần đầu tiên có một nhân vật bình thường là “Ally Sloper’s Half Holiday”, được ra mắt trên tạp chí hài hước Anh Judy năm 1867 và được tạo ra bởi CH Ross và được minh họa bởi người vợ Pháp Emilie de Tessier.

Ally Sloper’s Half Holiday do Dalziel Brothers xuất bản
Ally Sloper’s Half Holiday do Dalziel Brothers xuất bản

Năm 1884, nhân vật rất nổi tiếng sau đó được đưa vào truyện tranh của riêng mình, Ally Sloper’s Half Holiday do Dalziel Brothers xuất bản, dài tám trang và được in đen trắng. Tạp chí cực kỳ nổi tiếng với tầng lớp lao động và có thể đã có số lượng phát hành lên tới 350.000 bản.

Năm 1890, hai tạp chí truyện tranh ra mắt công chúng Anh,Comic Cuts và Illustrated Chips, thiết lập truyền thống của truyện tranh Anh như một tuyển tập định kỳ có chứa các mẩu truyện tranh.

Truyện tranh phát triển ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, ban đầu được tạo ra như một công cụ để thu hút người đọc cho các tạp chí, rồi dần dần trở thành một biểu tượng của văn hóa Mỹ.

Có năm người thường được nhắc đến với vai trò quan trọng trực tiếp trong sự ra đời của comic: Richard Outcault, William Randolph Hearst, Joseph Pulitzer, James Swinnerton và Rudolph Dirks.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu comic thống nhất “The Yellow Kid” của Richard F. Outcault là bộ truyện tranh màu đầu tiên.

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh Comic
“The Yellow Kid” được giới thiệu vào năm 1895.

“The Yellow Kid” được Richard Felton Outcault giới thiệu vào năm 1895. Sự nổi tiếng của đứa trẻ áo vàng là một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của “cartoons” trong văn hóa Mỹ vào thời kỳ này. Đây cũng là tác phẩm comic có màu (màu vàng) đầu tiên.

“The Yellow Kid” kể về một cậu bé hói đầu, mặc bộ đồ màu vàng sống ở khu ổ chuột bẩn thỉu đã tồn tại từ cuối thế kỷ 19 tại New York. Cậu bé nhanh chóng trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng cho những đứa trẻ khổ sở, rách rưới, nghèo đói sống tại các khu ổ chuột tại Mỹ.

Từ sau năm 1898, “The Yellow Kid” ngừng xuất hiện do những tranh chấp bản quyền.

Từ đây, các tác giả liên tục sáng tác truyện tranh để đăng báo, và vẫn luôn trung thành với yếu tố hài hước, gây cười.

Người đầu tiên đi chệch khỏi quỹ đạo gây cười là Winsor McCay với truyện “Little Nemo in Slumberland” (1905-1911) trên tờ New York Herald và sau đó là “In the Land of Wonderful Dreams” (1911-1914) trên tạp chí Hearst’s American. Truyện này tập trung vào những cuộc phiêu lưu trong mơ của một cậu bé tên là Nemo và những người bạn của cậu. Những cuộc phiêu lưu thường xuyên của Nemo kéo dài trong vài tuần. (Nemo nổi tiếng đến mức vào năm 1908, nó đã được chuyển thể thành một vở nhạc kịch.)

Những nhân vật nổi tiếng đầu tiên

Ngoài nhân vật “The Yellow Kid”, những nhân vật nổi tiếng đầu tiên của comic có thể kể đến:

Sau thời đại công nghiệp, nước Mỹ đến với thời đại của khoa học. Năm 1912, Edgar Rice Burroughs đã viết một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng xuất hiện trên tạp chí All Story có tựa đề “Under the Moons of Mars”. Câu chuyện này đã khai sinh ra vô số những câu chuyện tuyệt vời khác. Burroughs cũng tạo ra một nhân vật khác vào năm 1912, đó là một trong những nhân vật huyền thoại của thế kỷ XX – Tarzan.

All Story - Tarzan of the Apes
Truyện All Story: Tarzan of the Apes

Đến năm 1927, một tạp chí đã nổi lên để cách mạng hóa văn học Mỹ, được gọi là “Những câu chuyện tuyệt vời” (Amazing stories). Trong số ra tháng 2 năm 1928, xuất hiện một câu chuyện có tên “Armageddon 2419 AD” của Phillip Nowlan. Một độc giả, John Flint Dille, một nhà cung cấp truyện tranh thích truyện này đến nỗi ông đã mua bản quyền và thuê một họa sĩ tên Richard Calkins về để minh họa thành tranh bộ truyện này. Và thế là sự phát triển lớn tiếp theo của truyện tranh đã diễn ra.

Vào 7/1/1929, câu chuyện được đổi tên thành “Buck Rogers in the 25th Century AD”, và nhân vật Buck Rogers từ khi xuất hiện đã gây được tiếng vang lớn. Buck là một phi công thời chiến bị mắc kẹt trong một hang động và hít phải một loại khí khiến anh ta bị hôn mê sâu. 500 năm sau, Buck thức tỉnh trong tương lai khi nước Mỹ bị tàn phá bởi quân đội Mông Cổ, dẫn đầu là Kẻ giết người băng hoại đạo đức. Buck tham gia phiến quân để chống lại quân Mông Cổ. Cùng với Wilma xinh đẹp và Dr.Huer, họ bắt đầu một trận chiến không hồi kết để chiếm lại nước Mỹ.

Cũng xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 1 năm 1929 là truyện tranh Tarzan được minh họa bởi Harold Foster.

Vào 10/1931, thám tử mặt chữ điền Dick Tracy xuất hiện trong bộ truyện cùng tên. Dick Tracy truy lùng những kẻ lạc lối xã hội từng xuất hiện trên báo in. Họ là gián điệp của Đức Quốc xã, những kẻ tàn ác tàn ác, những kẻ tấn công và những kẻ phá hoại… Có thể coi những nhân vật phản diện này là nguồn gốc trực tiếp của siêu ác nhân trong truyện tranh sau này.

Có thể xem đây là thời kỳ bùng nổ của truyện phiêu lưu và khoa học viễn tưởng.

Thời đại siêu anh hùng (1932 – 1941)

Năm 1932, hai thiếu niên ở Cleveland là Jerry Siegel và Joe Shuster đã đọc được một truyện chứ trên tờ Amazing Stories có tên “Gladiator” (Đấu sĩ), kể về một người đàn ông có sức mạnh phi thường. Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, 2 tác giả trên đã viết một câu chuyện mang tên “The Superman of Metropolis” và xuất bản nó trong ấn phẩm Khoa học viễn tưởng của riêng họ. Sau đó, họ tự viết và vẽ một tập truyện về nhân vật phi thường ấy và cố bán bộ truyện cho các tờ báo.

Lịch sử hình thành và phát triển của Truyện tranh Comic
Thời đại siêu anh hùng

Các biên tập viên đã chế giễu ý tưởng của nhân vật trung tâm, một siêu nhân đến từ hành tinh khác có thể nhảy lên các tòa nhà cao tầng, đi nhanh hơn một viên đạn siêu tốc và thường làm những việc mà không một biên tập viên nào có thể tin là sẽ giúp tạp chí bán chạy hơn.

Chỉ có duy nhất một người là Harry Donenfeld, tổng biên tập của National Periodicals, nhìn ra mỏ vàng này, ông đầu tư và gọi tác phẩm và nhân vật phi thường ấy là “Superman”. Đây chính là nhân vật siêu anh hùng đầu tiên trong lịch sử comic Mỹ.

Harry Donenfeld cùng Max Gaines (tổng biên tập của All American Comics Company, một phần của DC Comics) đã ủng hộ hai tác giả trẻ Jerry Siegel và Joe Shuster. Khi thấy bản thảo, Max nói rằng mặc dù ông không thể sử dụng chúng, nhưng ông cảm thấy rằng Sheldon Mayer ở DC có thể. Khi Mayer đọc được bản thảo, ông đưa cho hai tác giả một tấm séc ngay lập tức (với giá 130 đô la, tất cả các quyền được bán!). Joe đã vẽ bìa và Action Comics # 1 đã được xuất bản. Nó xuất hiện trên các bản tin vào tháng 5 năm 1938 và “Superman” trở thành một hiện tượng.

Từ đây, các công ty truyện tranh khác nhanh chóng bắt đầu tạo ra những “siêu anh hùng” khác để kiếm tiền từ hiện tượng mới này.

Vào năm 1941, có rất nhiều siêu nhân vật này đến mức họ không thể đếm được. Được hỗ trợ bởi bất cứ điều gì có thể tưởng tượng, các cuốn truyện tranh phát triển mạnh mẽ bởi sự sáng tạo của những anh hùng này. Từ đây, truyện tranh là lãnh địa của siêu anh hùng.

1939: Batman xuất hiện; 1940: Captain Marvel, Green Lantern; 1941: Captain America, Wonder Woman, Aquaman;…

Điểm chung của hầu hết các siêu anh hùng: Có sức mạnh phi thường, đều tham gia chiến đấu chống lại Đức Quốc xã hoặc tham chiến trong các trận chiến khác thời Thế chiến II.

Siêu anh hùng suy tàn và thế giới đẫm máu với truyện tranh tội phạm, kinh dị (1941 – 1955)

Khi truyện tranh ngày càng phổ biến, các nhà xuất bản bắt đầu tung ra các tựa sách mở rộng sang nhiều thể loại. Các nhân vật không phải siêu anh hùng của Dell Comics (đặc biệt là truyện tranh nhân vật hoạt hình Walt Disney được cấp phép ) đã bán chạy hơn truyện tranh siêu anh hùng thời đó. Nhà xuất bản có các nhân vật văn học và phim được cấp phép như Chuột Mickey, Vịt Donald, Roy Rogers và Tarzan .

Theo nhà sử học Michael A. Amundson, các nhân vật truyện tranh hấp dẫn đã giúp giảm bớt nỗi sợ chiến tranh hạt nhân của độc giả trẻ và hóa giải nỗi lo lắng về những câu hỏi do sức mạnh nguyên tử đặt ra. Đó là trong giai đoạn này mà kéo dài truyện tranh hài hước ra mắt, bao gồm “Mad” của EC Comics và “Uncle Scrooge” của Carl Barks…

Khoa học viễn tưởng có sở trường riêng trong “Planet Comics” của Fiction House bắt đầu vào tháng 1 năm 1940. Ngay cả thần tượng tuổi teen “Archie” cũng có doanh thu cao. Nhưng các công ty truyện tranh có số liệu bán hàng chậm lại cần một cái gì đó mới, khác biệt và thú vị để hồi sinh lợi nhuận của họ.

Vào năm 1942, một truyện tranh có tên “Crime does not pay” do NXB Lev Glory phát hành đã gây ấn tượng với người đọc bởi câu tựa giật gân ngay trên bìa: “All true crime stories” (Tất cả những câu chuyện tội phạm có thật). Và các trang bìa đều được minh họa bằng những tội ác khủng khiếp.

Bìa truyện “All true crime stories”
Bìa truyện “All true crime stories”

(Một người điên cuồng dí đầu một người phụ nữ vào bếp ga, phía trên là ba người đàn ông đang nổ súng với một người giao dịch ngân hàng, có một anh chàng chuẩn bị tấn công một người phụ nữ bằng dao chặt trong khi có năm người đàn ông chết “treo cổ” từ một cành cây gần đó… Tất cả những yếu tố giật gân trên khiến bộ truyện khiến người đọc cực kỳ tò mò, và lượng bán tăng vọt.)

Đến những năm 1946 – 1947, một loạt các truyện tranh tội phạm được phát hành.. Tội ác thực sự, Phụ nữ ngoài vòng pháp luật, Chiến tranh chống Tội ác và Tội ác của Phụ nữ… Nhà xuất bản EC Bill Gaines đã chuyển đổi các tựa game như International Comics thành Crime Patrol, và truyện tranh tội phạm tràn lan ở khắp mọi nơi.

Một thể loại khác bắt đầu phát triển là truyện tranh kinh dị. Vào năm 1948, NXB American Comic Group đã cho ra mắt “Adventures in the Unknown”, bao gồm những câu chuyện kinh dị về ma, người sói, ngôi nhà ma ám, con rối giết người, và những sinh vật và siêu nhiên khác. Đây chính là comic kinh dị đầu tiên của Mỹ.

Có một điểm chung của comic là cách thức miêu tả phụ nữ: Ngực lớn, ăn mặc hở hang, và thường có một vài cảnh vẽ phụ nữ cúi xuống từ phía sau (lộ đùi, mông,…)

Đến giữa năm 1950, Eerie Comics đã có ba danh hiệu kinh dị trên thị trường: Crypt of Terror (sau này là Tales from the Crypt), Haunt of Fear và Vault of Horror. Truyện tranh kinh dị có được chỗ đứng nhất định, và các nhà xuất bản thi nhau đặt những tựa truyện kinh dị giật gân để thu hút thêm người đọc.

Những bộ truyện kinh dị giật gân.
Những bộ truyện kinh dị giật gân.

Sự bùng phát của những bộ truyện kinh dị giật gân, tội phạm chỉ suy giảm vào năm 1954, khi cuốn sách “Seduction of the Innocent” – Sự quyến rũ của những người vô tội (1954) của nhà tâm thần học người Mỹ Fredric Wertham được công bố với đông đảo người đọc. Với nghiên cứu của mình, Fredric Wertham đã đưa ra những ví dụ có chủ đích về tình dục và bạo lực trong truyện tranh, đồng thời cảnh báo rằng truyện tranh là một hình thức tiêu cực của văn học đại chúng và là nguyên nhân nghiêm trọng của tội phạm vị thành niên.

Trước đó, trong một bài báo của mình, Wertham đã cho rằng truyện tranh và các phương tiện truyền thông khác chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp của giới trẻ Mỹ. Chính truyện tranh đã khiến những cậu bé tuổi teen bị cướp và hãm hiếp. Nó làm cho họ sử dụng ma túy. Truyện tranh làm cho mọi đứa trẻ trở thành một tên trộm, một kẻ bắt nạt – một kẻ giết người!

Sau những công bố này, truyện tranh đã bị cấm ở nhiều thành phố và thậm chí các chủ cửa hàng từ chối trưng bày truyện tranh, trừ Bugs Bunny, Archie và các truyện tranh của Walt Disney. Ngay cả siêu sức mạnh của Superman cũng không được chấp nhận ở một số nơi.

Trong hình là con dấu của Cơ quan quản lý dấu truyện tranh (The Comics Code Authority – CCA). Cơ quan này được thành lập vào năm 1954 (sau những kết quả công bố của Wertham), bởi Hiệp hội Tạp chí truyện tranh của Mỹ.

Cơ quan quản lý dấu truyện tranh sẽ cấp con dấu này cho những bộ truyện được xác nhận là “không có ảnh hưởng xấu lên trẻ em”, thường là để ngăn chặn những bộ truyện kinh dị, tội phạm hoặc chứa nhiều hình ảnh bạo lực.

(Bộ đồ tắm hai mảnh sẽ không xuất hiện trong truyện tranh trong hơn mười năm. Tội phạm phải trả giá cho tội ác của họ, không có máu, không có những từ như kỳ lạ, kinh dị, khủng khiếp trên trang bìa…)

Nói cách khác, đây chính là con dấu kiểm duyệt đối với truyện tranh Mỹ. Vai trò của nó ở trang bìa tương tự như những dòng “Truyện tranh dành cho lứa tuổi 16+” trên trang bìa những cuốn truyện được xuất bản ở Việt Nam vậy.

Tuy không có một văn bản pháp luật nào ép buộc các nhà phát hành tuân thủ kiểm duyệt, song sự tuân thủ tự nguyện vẫn diễn ra, và mãi đến năm 2011, việc bỏ kiểm duyệt mới thật sự kết thúc.

Đến năm 1955, tất cả các nhà xuất bản truyện tranh đã giảm mạnh số lượng xuất bản của họ. Nhiều bên đã hoàn toàn loại bỏ xuất bản truyện tranh. Đây là thời khắc đen tối nhất của truyện tranh.

Siêu anh hùng trở lại (1956 – 1970)

Trong suốt thời gian đen tối của truyện tranh, có một đơn vị vẫn duy trì sống tốt, vừa tuân thủ luật kiểm duyệt, vừa tiếp tục xuất bản các truyện tranh siêu anh hùng, đó là DC Comics.

Các NXB và các tạp chí lại đi tìm kiếm ý tưởng mới cho truyện tranh, và một số thì làm mới lại những ý tưởng cũ. Một trong những ý tưởng cũ ấy vẫn là siêu anh hùng.

Đến năm 1956, Julius Schwartz của DC đồng ý cho ra mắt siêu anh hùng The Flash, viết bởi Robert Kannigher và được minh họa bởi Carmine Infantino. Mới đầu, ông test thử bằng cách cho Flash xuất hiện một lần, và tái xuất hiện vào 1-2 số sau. Doanh số bán hàng tăng, Schwartz chấp nhận đầu tư vào The Flash. Từ đây, thời đại siêu anh hùng thứ hai bắt đầu.

“Challengers of the Unknown” có được truyện riêng vào năm 1958 (một nhóm các nhà thám hiểm xuất hiện trong truyện tranh được xuất bản bởi DC Comics. Bộ tứ của các nhà thám hiểm khám phá thế giới khoa học giả tưởng và sự xuất hiện huyền bí trong khi phải đối mặt với một số mối đe dọa lớn). Flash có được truyện riêng vào năm 1959; Green Lantern có truyện riêng vào năm 1960.

Bìa truyện “Challengers of the Unknown”
Bìa truyện “Challengers of the Unknown”.

Justice League được thành lập vào 1960, với các thành viên: Flash, Green Lantern, Wonder Woman, Martian Manhunter và Aquaman, thậm chí còn có sự tham gia của cả Batman và Superman.

Jack Kirby là người đã góp phần giúp DC hồi sinh siêu anh hùng vào năm 1957 với “Challengers of the Unknown”. Ông đã giúp viết và vẽ 4 truyện DC trước khi rời đi vào năm 1959, và sau đó ông cộng tác với Atlas Comics, tiền thân của Marvel Comics.

Thời gian đầu, Marvel vẫn chưa trở lại với việc xuất bản các siêu anh hùng và Jack đã vẽ truyện tranh khoa học viễn tưởng, bí ẩn và truyện viễn Tây trong năm rưỡi tiếp theo.

Sau đó một ngày vào năm 1961, Jack đến văn phòng của Marvel và thấy biên tập viên Stan Lee đang chuyển đồ khỏi văn phòng Marvel vì lúc này, Marvel chuẩn bị phá sản. Jack không chấp nhận điều này. Ông thuyết phục Stan Lee để cho ông thử một cái gì đó mới cho Marvel. Jack đã làm việc ở DC khi DC mang về những siêu anh hùng, và ông sẽ làm điều tương tự cho Marvel!

Như vậy, DC đã tái sinh thời đại siêu anh hùng, và thời đại đó được củng cố bởi Marvel.

Vào tháng 9 năm 1961, “Fantastic Four” ra mắt với tựa truyện riêng (như một sự đối trọng với Justice League của DC được xuất bản năm 1960)!!

Năm 1962, Incredible Hulk và Spider-Man xuất hiện trên trang bìa tạp chí (số tháng 5 và tháng 8 năm 1962). (Debut)

Một cậu bé với những rắc rối tuổi teen thực sự đã bị một con nhện nhiễm phóng xạ cắn, biến cậu thành một kẻ kỳ dị có thể trèo tường, bắn tơ và có sức mạnh phi thường đã gây tiếng vang lớn và luôn nằm trong top các siêu anh hùng được yêu thích nhất. Từ đây, Marvel thoát khỏi khủng hoảng và dần tự đưa mình vào thế cạnh tranh với các siêu anh hùng của DC. Danh tiếng của Stan Lee và Kirby cũng tăng vọt.

Stan Lee & Jack Kirby

(Tuy nhiên, Stan Lee nổi tiếng hơn, được nhận nhiều tiền hơn, còn Kirby vẫn mang tiếng chỉ là một freelancer. Sau này, vì những mâu thuẫn và những chính sách đầy bất công tại Mavel, năm 1970 ông rời bỏ Marvel và sang đầu quân cho đối thủ cạnh tranh là DC Comics.)

Nhưng những gì thực sự thúc đẩy Marvel và khiến Marvel được đón nhận là đã đem đến một hình tượng siêu anh hùng mới: Không sống tách biệt như Batman hay là người ngoài hành tinh như Superman, mà hòa nhập trong đời sống thường nhật, cũng gặp phải những vấn đề như người bình thường trong cuộc sống bình thường. (Bruce Banner không muốn trở thành Hulk, Peter Parker luôn lo lắng cho sức khỏe của dì May và theo đuổi bạn gái ở trường, Tony Stark là một tỷ phú kiêu hãnh,…)

Phong cách truyện tranh mới này đã dẫn đến một cuộc cách mạng trong truyện tranh. Các anh hùng truyện tranh giờ đây bị chông chênh giữa việc sống cuộc sống của người bình thường hay trở thành một siêu anh hùng đi cứu thế giới, gặp nguy hiểm và bị phán xét…

Đạo luật về truyện tranh vẫn còn hoạt động, vậy nên các tác giả và nhà phát hành vẫn lấy siêu anh hùng là trụ cột trong truyện tranh comic, song trong khoảng đầu những năm 1970, các siêu anh hùng không chỉ phải chiến đấu với những phản diện, siêu phản diện, mà còn phải chiến đấu cả với những vấn đề, tệ nạn xã hội như sự nghèo đói, chứng nghiện rượu, nghiện ma túy, sự phân biệt chủng tộc, suy thoái môi trường,…

VD: Green Lantern nghèo đói và nghi ngờ bản thân, Iron Man nghiện rượu, Spider-Man và tác hại của ma túy, Black Panther và Falcon không phải siêu anh hùng da trắng…

Ngoài ra, Các vấn đề liên quan đến trao quyền cho phụ nữ đã trở thành xu hướng với các phiên bản nữ của các nhân vật nam nổi tiếng (Spider-Woman, Red Sonja, Ms Marvel, She-Hulk…).

Thời kỳ này cũng đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp của nhiều nhà văn và nghệ sĩ kỳ cựu trước đó: Họ, hoặc dừng sáng tác, hoặc thăng tiến lên vị trí quản lý và chuyển giao công việc cho lứa biên tập và tác giả trẻ hơn.

Cũng trong thời kỳ này, truyện tranh được xuất bản ở dạng sách truyện, thay cho dạng tạp chí như trước đây.

15 năm cho những nhân vật khác (1970-1985)

Cũng những năm 1970, sự nổi tiếng của truyện tranh đã dần chuyển từ thể loại siêu anh hùng sang các tựa truyện tranh mà các siêu anh hùng hoàn toàn vắng mặt.

Những truyện tranh không phải siêu anh hùng này thường được lấy cảm hứng từ các thể loại viễn Tây hoặc giả tưởng.

Năm 1971, Bộ luật truyện tranh được sửa đổi, đã nới lỏng các quy tắc về việc sử dụng ma cà rồng, người sói và các sinh vật siêu nhiên trong truyện tranh, cho phép phát triển một số tựa game siêu nhiên và kinh dị, như “Swamp Thing”, “Ghost Rider” và “The tomd of Dracula”,…

Vào đầu những năm 1970, các nhà xuất bản đã tránh xa những câu chuyện siêu anh hùng được yêu thích trên thị trường đại chúng vào giữa những năm 1960: DC đã hủy hầu hết các tựa siêu anh hùng của mình ngoài những nhân vật có sự tham gia của Superman và Batman, trong khi Marvel đã hủy các tựa bán chạy như Dr. Strange và The X-Men. Ở vị trí của họ, họ đã thử nghiệm rất nhiều thể loại khác, bao gồm truyện viễn Tây, truyện kinh dị và quái vật, và các tác phẩm chuyển thể kể trên về những cuộc phiêu lưu giật gân. (Chưa có nguồn chính xác)

Trong thể loại khoa học viễn tưởng, những câu chuyện hậu tận thế được khai thác, với những nhân vật như Deathlok, Killraven và Kamandi. Tạp chí truyện tranh khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất phải kể đến series “Stars War” của Marvel (1977-1986).

Series “Stars War” của Marvel (1977-1986).
Series “Stars War” của Marvel (1977-1986).

Trong giai đoạn này, cả Marvel và DC cũng thường xuyên sản xuất các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh chính thức cho các dự án khác nhau, bao gồm các bộ phim nổi tiếng ( Planet of the Apes, Godzilla, Logan’s Run, Indiana Jones, Jaws 2, 2001: A Space Odyssey, Star Wars ), chương trình truyền hình ( The Man from Atlantis, Battlestar Galactica, Star Trek, The A-Team, Welcome Back Kotter ), đồ chơi ( GI Joe, Micronauts, Transformers, Rom, Atari Force, Thundercats ),…

Mặc dù không nhất thiết phải là “siêu anh hùng”, một vài bộ truyện tranh độc đáo từ thời kỳ này có một hoặc nhiều nhân vật phản diện là nhân vật trung tâm của họ ( Super-Villain Team-Up, Secret Society of Super Villains, The Joker ).

Anh hùng và phản anh hùng (Hero – Antihero), giả tưởng và kinh dị (1986 – nay)

Còn được gọi là Dark Age of Comic Books

Anh hùng và phản anh hùng:

Sau 1971, đạo luật truyện tranh có sự sửa đổi, nới lỏng hơn trong các thể loại kinh dị, bạo lực, tội phạm. Thế là, có một sự kết hợp mới giữa những gì đã có và những gì đang được mở ra:

Ta có công thức: Siêu anh hùng + Bạo lực + Biến chuyển tâm lý + Mâu thuẫn lý tưởng = Dần dần hình thành một mô hình nhân vật phản anh hùng

Vào giữa những năm 1970, các nhân vật phản diện của Marvel như Wolverine trong “X-Men”, Punisher, Daredevil đen tối đầy thù hận của Frank Miller đã thách thức mô hình siêu anh hùng nhân đạo, lý tưởng, vui vẻ trước đây. Miller cũng tạo ra Elektra – người yêu cũ của Daredevil, một nữ sát thủ bạo lực và hám lợi.

1986: “Watchmen” và “V for Vendetta” của Alan Moore, “Batman: The Dark Knight returns” của Frank Miller

Comic “Watchmen” 1986
Comic “Watchmen” 1986

Cả “Watchmen” và “Batman: The dark knight returns” đều là đi sâu vào những chuỗi chiều sâu tâm lý khiến các anh hùng gặp khó khăn, khi các anh hùng phải đối mặt với cả hiện thực cuộc sống đầy mâu thuẫn và những diễn biến cảm xúc, những ám ảnh tâm lý của chính mình.

Vào cuối những năm 1980, DC đã xuất bản nhiều tựa truyện như “Hellblazer”, “Swamp Thing” và “Lobo”. Họ bắt đầu đề cao các nhân vật mơ hồ về mặt đạo đức như John Constantine đầy hoài nghi và Lobo yêu bạo lực, với đồ họa trực diện và nhiều hình ảnh bạo lực, nội dung người lớn hơn.

Cũng trong năm 1986, một sự kiện mang tên Crisis on Infinite Earths đã xảy ra trong vũ trụ DC, dẫn đến cái chết của The Flash. Trước đó, trong năm 1984-1985, lần đầu tiên Spider-Man mặc đồ đen xuất hiện, mở đầu cho sự phát triển của nhân vật Venom sau này.

Trong suốt quãng thời gian từ 1980 -1990, các nhân vật siêu anh hùng ở cả DC và Marvel đều gặp biến cố: Captain America bị sa thải, Superman chết, Bruce Wayne bị liệt,… Tuy nhiên, sau đó thì các tác giả vẫn tìm cách để cho các nhân vật trên quay trở lại theo cách đa chiều hơn, và đôi khi là đen tối hơn.

Các tác giả và NXB gọi sự việc trên là sự tái thiết/ khởi động lại những vũ trụ siêu anh hùng, để từ đó có thể viết ra những nguồn gốc mới, lịch sử mới theo cách của họ. Việc tái thiết lại nhân vật cứ sau khoảng 5-10 năm này ảnh hưởng đến khá nhiều nhà sản xuất, và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. (Rõ ràng nhất có thể kể đến 10 năm hành trình Marvel Universe và cái chết của Tony Stark trên màn ảnh.)

Qua những thông tin trên, có thể thấy, vào đầu những năm 1990, phản anh hùng (antiheroes) đã trở thành quy luật hơn là ngoại lệ, ví dụ nổi tiếng nhất có thể kể đến là Venom.

Xu hướng tạo ra các nhân vật đa chiều có chiều sâu tâm lý cũng ảnh hưởng lên cả cách xây dựng những nhân vật siêu phản diện (supervillains).

Ví dụ, Joker, kẻ thù của Người Dơi, không chỉ là một tên tội phạm xấu xa mà còn là một kẻ tâm thần không kiểm soát được hành động của bản thân.

Magneto có những lý lẽ thuyết phục khi ông chiến đấu chống lại con người để bảo vệ những người đột biến, dù đôi khi cách ông thực hiện khiến nhiều người khó chấp nhận được.

Giả tưởng và kinh dị:

Năm 1971, đạo luật truyện tranh được sửa đổi, các yếu tố kinh dị, bạo lực, tội phạm được nới lỏng.

Bắt đầu với tác phẩm đột phá của “Swamp Thing” của Alan Moore vào đầu những năm 1980 tại DC, kể về một nhân vật quái vật đầm lầy có thể biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau, chiến đấu để bảo vệ đầm lầy (môi trường), và chống lại các thế lực siêu nhiên hoặc thế lực khủng bố khác. Bộ truyện kinh dị kết hợp giữa khoa học viễn tưởng và giả tưởng này đã mở đầu một xu hướng mới trong truyện tranh.

Năm 1989, DC cũng cho ra mắt series “The Sandman” (người cát) (1989 – 1996) của Neil Gaiman, kể về câu chuyện của một trong 7 thực thể bất tử là Dream – người cai quản thế giới của những giấc mơ. 6 thực thể bất tử còn lại là Destiny (Định mệnh), Death (Cái chết), Desire (Khát vọng), Despair (Tuyệt vọng), Delirium (Mê sảng) (formerly Delight), và Destruction (Hủy diệt) (also known as ‘The Prodigal’). Bộ truyện nổi tiếng với việc nhân cách hóa các khái niệm siêu hình khác nhau, đồng thời pha trộn thần thoại và lịch sử trong bối cảnh kinh dị của Vũ trụ DC. “The Sandman” kể về những câu chuyện Dream, Chúa tể của những giấc mơ, bị bắt và sau đó biết rằng đôi khi thay đổi là không thể tránh khỏi.

Một bộ truyện nổi tiếng khác của DC là “Vertigo” cũng đề cập trực diện đến bạo lực, chất gây nghiện, tình dục, khỏa thân, tội phạm được cho ra mắt vào năm 1993, với mục tiêu trở thành bộ truyện chuyên sâu về thể loại này.

Năm 1993, Alan Moore và Stephen R. Bissette tạo ra một nhân vật vừa kinh dị, vừa phản anh hùng là thầy trừ tà John Constantine, trong bộ truyện “Hellblazer” (tiền thân của bộ truyện “Constantine”). Trước đó, Constantine đã xuất hiện trong “Swamp thing” vào năm 1985. Thế giới của Constantine là thế giới mà các thế lực siêu nhiên, ma thuật cùng tồn tại và xung đột với nhau.

John Constantine, trong bộ truyện “Hellblazer”
John Constantine, trong bộ truyện “Hellblazer”.

John Constantine được miêu tả là một người đàn ông tự tin và là thám tử huyền bí. Anh ta thường chiến thắng quỷ dữ thông qua các thủ thuật, gài bẫy, và có thêm nhiều kẻ thù hơn là bè bạn. Trong khi đôi khi phấn đấu vì lợi ích của nhân loại, Constantine thường bị thao túng khi một người bạn nào đó của anh ta bị tấn công (thường là liên quan đến một sai lầm nào đó của John). John có thể bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công trực tiếp, nhưng bạn bè và người thân của anh ta thường gặp nguy hiểm vì kẻ thù luôn tấn công vào bạn bè để uy hiếp John. Linh hồn của những người bạn quá cố đã ám ảnh John. John Constantine chính là m ột nhân vật phản anh hùng tiêu biểu.

Bắt đầu từ những năm 1990 và trong suốt những năm 2000, một số bộ phim chuyển thể thành công từ truyện tranh, một phần nhờ cải tiến công nghệ hiệu ứng đặc biệt, đã giúp mở rộng đối tượng thị trường của họ, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả mới, những người trước đây không quan tâm đến truyện tranh.

Điều này cũng dẫn đến một loạt các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh khác bao gồm các Constantine (dựa trên truyện tranh Hellblazer ) và V for Vendetta.

Kết luận:

Như vậy, cho đến nay, “comic” đã xa rời với nghĩa “hài kịch, vui vẻ” ban đầu, trở thành một danh từ chỉ truyện tranh nói chung. Truyện tranh Comic không chỉ có siêu anh hùng, nhưng siêu anh hùng lại góp phần không nhỏ trong việc phát triển comic. Sau đạo luật truyện tranh năm 1954, để tồn tại, các thể loại khác đã tích hợp vào trong các truyện siêu anh hùng. Truyện tranh siêu anh hùng cũng trở thành công cụ để truyền bá các thông điệp về chính trị xã hội Mỹ.

Ta có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển của truyện tranh comic Mỹ luôn có sự ngắt quãng giữa hai dòng chính: Siêu anh hùng – Kinh dị, tội phạm. Đạo luật truyện tranh khiến cho dòng kinh dị, tội phạm giảm số lượng bản in, nhưng chưa khi nào tác giả và độc giả Mỹ chấp nhận bỏ bê thể loại này. Bằng những cách như tích hợp với các truyện siêu anh hùng, lách đạo luật truyện tranh, loạt nhân vật tội phạm và truyện kinh dị vẫn có sức sống tại thị trường Mỹ.

Dường như đối với người Mỹ, đây mới thực sự là thể loại mà họ tâm đắc và muốn theo đuổi, bất kể việc có bị cấm đoán hay không, còn các nhân vật siêu anh hùng chỉ là những phương án an toàn, được sử dụng như một công cụ truyền thông hình ảnh về một nước Mỹ vĩ đại, siêu việt, phi thường. Tìm hiểu lịch sử truyện tranh comic Mỹ, chúng ta mới nhận ra đằng sau sự vĩ đại, siêu việt, phi thường của nước Mỹ là lịch sử đen tối của những tên sát nhân, sự thua cuộc, tội ác ghê rợn và những ám ảnh kinh dị tồn tại trong tâm trí mỗi người Mỹ.

Sự khác biệt giữa: Truyện tranh Anh ngữ – Truyện tranh Pháp ngữ

Khác biệt về mô hình sáng tác: Các tác giả Nhật và Bỉ thường nghĩ cốt truyện và trực tiếp vẽ truyện tranh. Có một vài trường hợp hai tác giả cùng sáng tác, trong đó một người nghĩ cốt truyện, một người vẽ; nhưng trường hợp ấy không phổ biến như ở Mỹ.

Các truyện tranh Mỹ ban đầu đều là chuyển thể từ tiểu thuyết, nên mô hình sáng tác bộ đôi (hoặc sau này là bộ ba, bộ tứ,…) phát triển và nhân rộng đến ngày nay. Trong đó, sẽ có một hoặc một nhóm tác giả nghĩ cốt truyện và một hoặc một nhóm họa sĩ vẽ minh họa. Cả hai nhóm tác giả này có thể trao đổi qua lại với nhau, nhưng vai trò ở mỗi vị trí tương đối rõ ràng và chắc chắn.

Khác biệt về loại truyện: Có nhiều loại truyện trong truyện tranh, nhưng sự phân chia nhỏ các loại truyện diễn ra phổ biến ở Nhật hơn, với những truyện tranh bé gái, truyện tranh bé trai, truyện phiêu lưu, truyện dành cho tuổi trưởng thành, truyện đồng tính, truyện kinh dị, truyện tình cảm,… Trong khi đó, các truyện tranh của Mỹ hay Bỉ thường có sự phân chia ít hơn. Đặc biệt, chỉ có duy nhất ở Nhật là có sự xuất hiện của thể loại truyện hentai một cách chính thống, được lưu hành công khai và trở thành một nền công nghiệp lớn mạnh. Ở Mỹ và Bỉ, truyện 18+ không có được sự chính thống ấy, số lượng cũng không đồ sộ bằng, nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm.

Nếu truyện tranh comic Mỹ trọng loại truyện siêu anh hùng và kinh dị – tội phạm, thì comic Bỉ lại trọng những tác phẩm hài hước, vui tươi, kể những câu chuyện phiêu lưu đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ (Những cuộc phiêu lưu của TinTin, Astérix, Lucky Luke,…). Sự khác biệt này đến từ chính lịch sử và văn hóa của hai quốc gia: Một bên bành trướng, một bên luôn giữ thế trung lập. Chính vì thế, truyện tranh Pháp – Bỉ tách hoàn toàn khỏi quỹ đạo của truyện tranh Mỹ, Nhật, trở thành “đặc sản” riêng của thế giới châu Âu.

 

Nguyễn Hoàng Dương tổng hợp và biên soạn

Tài liệu tham khảo:

    • Enter: The Comics (1969), E. Weiss, University of Nebraska Press, Lincoln
    • “Comics” trong St James Encyclopedia of pop culture (2002), I. Gordon
    • Adult Comics (2013), Roger Sabin, Routledge
    • The Routledge Companion to Comics (2016), Bramlett Frank; Cook Roy; Meskin Aaron, Routledge.
    • Encyclopedia of Comic Books and Graphic Novels (2010), M. Keith Booker, ABC-CLIO
    • “The History of comic books”
    • “The 100 Pages That Shaped Comics From Mickey to Maus, tracing the evolution of the pictures, panels, and text that brought comic books to life”
    • Comic Art and Graffix Gallery

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here