Đối với các diễn viên, làm chủ kịch bản là một chuẩn mực của sự chuyên nghiệp.
Nữ diễn viên nổi tiếng Angela Lansbury kể với The New York Times: “Những ngày đầu của ngành sân khấu, luôn có góc nhắc tuồng dành cho người nhắc thoại trực tiếp. Đến thời kỳ điện tử, vài diễn viên đeo tai nghe (để nghe mớm thoại)… Đây là một phần của sân khấu”.
Người nhắc tuồng không chỉ giúp các diễn viên khi quên thoại – bằng cách gợi ý vài từ cho đến cả câu tiếp sau – mà còn là người kiểm tra lại xem diễn viên nói các câu thoại đã chính xác chưa.
Nhắc tuồng là một phần của sân khấu – Ảnh: Chụp màn hình phim The Prompter (2004)
Năm 2015, diễn viên Michael Gambon từ giã sân khấu vì không thể nhớ thoại. Ông từ chối sự trợ giúp của người nhắc tuồng – Ảnh: Michael Gambon trong vai Dumbledore, phim Harry Potter
Xem thêm:
Nam diễn viên Peter O’Toole từng nói ông và các đồng nghiệp của mình được trả tiền để ghi nhớ kịch bản. Còn diễn xuất là miễn phí.
Diễn viên quên thoại là điều đại kỵ trong ngành công nghiệp này. Dàn diễn viên chuyên nghiệp làm tăng tốc độ sản xuất do thời gian chuẩn bị, tập luyện và diễn thử ít hơn, phải quay lại ít hơn. Ngược lại, diễn viên quên thoại, không chú tâm sẽ khiến cả ê-kip bị ảnh hưởng.
Chính vì sự khắt khe trong yêu cầu về thoại nên các diễn viên phải tìm mọi cách để tự nhớ được nhân vật mình vào vai nói gì. Marlon Brando (đóng vai cha của Superman) từng viết lời thoại ra các mảnh giấy ghi chú và dán khắp nơi khi quay thay vì cần một người nhắc tuồng, dù điều đó khiến ông bị cười chê. Hay các diễn viên khác thường sử dụng phần mềm Redearser để tự tập dợt thoại. Người có điều kiện hơn sẽ tìm huấn luyện viên hay một đối tác để học kịch bản…
Hugh Jackman tâm sự: “Thật là mệt khi học kịch bản nhưng chẳng có cách nào khác cả” – Ảnh: Reuters
Diễn viên Hollywood chỉ cần nhớ thoại theo cảnh quay
Nếu các vở kịch trên sân khấu đòi hỏi diễn viên học thuộc toàn bộ thoại của mình để có thể diễn tốt trong hàng giờ thì Hollywood lại là câu chuyện khác. Thay vì thuộc làu làu từ A đến Z, diễn viên chỉ việc theo sát lịch trình và kế hoạch quay, rồi sắp xếp học để nhớ thoại trong cảnh mình tham gia đóng từng ngày mà thôi.
Khi sang Việt Nam đóng King Kong 2, Cảnh Điềm đã khoe ảnh tranh thủ học thoại tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, thậm chí cô dán trong toilet
Đóng phim cho phép diễn viên đóng một cảnh nhiều lần cho đến khi đạt. Đó là lý do có những cảnh kéo dài 30 giây nhưng phải mất một tuần để hoàn thành.
Ngoài ra, trước khi diễn thật, diễn viên còn được diễn thử để phát hiện ra điều gì chưa ổn trong cách thể hiện, cách vỡ kịch bản và cả lời thoại. Nói cách khác, đóng phim trước máy quay, diễn viên có nhiều cơ hội sửa sai hơn là khi diễn trên sân khấu, trực tiếp trước mặt khán giả.
Diễn viên không học thoại như vẹt
Nhiều diễn viên có thể như nam tài tử Anthony Hopkins đọc kịch bản vài trăm lần. Nhưng họ không phải mong thuộc như vẹt. Họ tìm kiếm kinh nghiệm cảm xúc của nhân vật, dựa vào cảm xúc đó để xây dựng kết nối với lời thoại. Sự kết hợp giữa thuộc thoại và thấm thoại tạo ra diễn xuất hoàn hảo. Những biểu hiện cảm xúc trên cơ mặt cùng lời thoại trơn tru của diễn viên sẽ phân biệt một bộ phim hạng ba với một bộ phim xứng đáng đoạt giải Oscar.
Tommy Lee Jones đã thêm thoại vào trong The Fugitive (1993) tạo ra cảnh quay đắt giá – Ảnh: Chụp màn hình
Ngoài ra, việc thuộc thoại và hiểu thoại cũng sẽ khiến diễn viên thăng hoa, hóa thân vào nhân vật và tạo ra những cảnh phim đầy bất ngờ. Nếu cảm thấy lời thoại chưa hợp lý, diễn viên còn có thể đề nghị thay đổi kịch bản. Chỉ trông vào nhắc thoại, sẽ không thể có những điều này.
Như trong The Fugitive (1993), Richard Kimble (Harrison Ford đóng) là một bác sĩ bị kết tội giết vợ và U.S. Marshal Samuel Gerard (Tommy Lee Jones đóng) đuổi theo. Kimble đã hạ được Gerard nhưng thay vì đánh Gerard, Kimble giải thích: “Tôi không giết vợ tôi”. Gerard với một giọng tỉnh táo và cái nhìn dữ dội trên khuôn mặt của mình sắc lạnh trả lời: “Tôi không quan tâm”. Câu thoại này không hề có trong kịch bản nhưng chỉ mấy từ sáng tạo này đã có sức nặng vô cùng. Nó cho thấy dù bác sĩ có giết hay không giết người cũng chẳng quan trọng với Gerard. Đơn giản là anh ta sẽ bắt bác sĩ, thế thôi. Đạo diễn Andrew Davis rất sáng suốt khi giữ lại cảnh đắt giá này.
Nếu quên thoại, diễn viên Hollywood có quyền sáng tạo
Đôi khi, các diễn viên vẫn quên thoại vì chẳng ai có trí nhớ siêu phàm quái kiệt đến độ không vấp váp gì trong suốt sự nghiệp. Nhưng đây là lúc bản lĩnh diễn xuất và xoay sở của họ được phát huy.
David Duchovny (bìa trái) và Ben Stiller (bìa phải) đã biến cảnh quay khi quên thoại thành một trong những cảnh hài hước nhất phim Zoolander (2001)
Ví dụ như phim Zoolander (2001) có đoạn đối thoại về chính trị và nghề mẫu giữa hai người mẫu J.P. Prewitt (David Duchovny đóng) và Derek Zoolander (Ben Stiller đóng). Zoolander hỏi: “Tại sao lại là các người mẫu nam?”, Prewitt trả lời bằng một lời giải thích rất dài. Sau đó, đến lượt Zoolander nói nhưng Ben Stiller lại quên mất thoại nên đã lặp lại câu nói của bạn diễn: “Tại sao lại là các người mẫu nam?”. Duchovny liền tung hứng, đáp: “Đùa à? Vừa mới nói với anh mấy giây trước còn gì”. Cảnh này gia cố thêm về bản chất của người mẫu nam ‘não ngắn’ như phim miêu tả và hai diễn viên đã biến cảnh ‘hố hàng’ đáng nhẽ phải quay lại thành một trong những cảnh vui nhất phim.
Xem thêm:
Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt hiếm hoi, diễn viên Hollywood mới phải sử dụng đến tiểu tuyệt kỹ. Như khi người sáng tạo Deadwood David Milch tự dưng muốn đổi thoại vào phút cuối. Các diễn viên buộc cần đến người nhắc tuồng tạm thời ngắn hạn. Người nhắc tuồng đọc thoại trước, họ lặp lại sau và rồi nhờ kỹ thuật chỉnh sửa phần hậu kỳ cắt nối để phim được trơn tru.