Người già ở Việt Nam thường bị gắn với hình ảnh quen thuộc: cụ ông thì vui thú điền viên, cụ bà thì trông cháu, làm việc nhà. Thỉnh thoảng, con cháu sẽ hỏi ý kiến các cụ vài việc nếu cụ xuất thân là dân kinh doanh, trí thức. Nhưng phần lớn thời gian, những đứa con thường có xu hướng cho rằng cha mẹ mình đã già, lẩm cẩm mà không nhìn thấy được độ “khủng” của các cụ.

Xem thêm:

Ở phương Tây, người già có một cuộc sống “mở” hơn : các cụ 6x,7x vẫn có thể tự do đi phượt, đi nghỉ dưỡng mà không bận tâm vì con cái họ giờ đã đi lập nghiệp ở xa. Chính vì thế, mà lâu lâu chúng ta lại thấy hình ảnh một cụ ông xăm trổ siêu ngầu đi du lịch hay một cụ bà trong những sự kiện chỉ dành cho giới trẻ phương Tây. Mặc dù vậy, giới trẻ, với ưu thế về sự linh hoạt trong đầu óc, thì vẫn phần nào coi nhẹ các cụ.

Đánh vào lối suy nghĩ chung đó, mà các nhà làm phim đã làm những bộ phim cực kì thú vị về người già, để đám trẻ giải trí, và sẵn tiện khắc vào kí ức của họ một câu : Gừng càng già càng cay.

Từ những người làm công việc khiến họ chết trẻ

Có một câu nói rằng : “Beware of an old man in a profession where men usually die young” (Hãy coi chừng những người kì cựu trong một ngành thường khiến họ chết trẻ ). Câu nói này không sai chút nào trong trường hợp của Frank (Bruce Willis) trong loạt phim R.E.D (Viết tắt từ “Retired”,”Extremely”,”Dangerous” tức là “Đã nghỉ hưu và cực kì nguy hiểm”).

Frank vốn là một sĩ quan tình báo về hưu. Cuộc sống hưu trí của anh nhàm chán đến mức anh phải giả vờ ko nhận được tài liệu an sinh xã hội để có cơ hội trò chuyện cùng Sarah (Mary-Louise Parker), cô nhân viên hành chính đáng yêu. Một ngày nọ, Frank bị CIA cử một đội đến trừ khử và anh “vô tình” lôi Sarah vào cuộc. Cả hai phải vừa chạy trốn, vừa tìm cách để phá tan âm mưu đen tối đang thao túng cả CIA lẫn chính quyền Mỹ. Và chính vì cơ hội trời cho này, mà những người bạn (lẫn đối thủ) già của Frank được cơ hội “quẩy” hết sức cùng anh.

Dàn cast của phim là một loạt siêu sao lão thành như : John Malkovic (vai ông điệp viên điên Marvin), Helen Mirren (nữ sát thủ Victoria của MI6), Joe (Morgan Freeman, người được cộng đồng mạng gọi là “Chúa”) v.v.

Nếu dàn cast là những siêu sao cực khủng ngoài đời, thì vai diễn của họ cũng là những điệp viên cao tay vô cùng: Frank luôn đi trước William, kẻ săn đuổi mình 2 bước. Marvin thì có thể phát hiện ra kẻ thù dù chúng hóa trang giỏi đến đâu, và sự điên rồ của ông khiến những đặc vụ kì cựu nhất cũng phải chạy tóe khói. Bên cạnh đó, là mối tình nhiều năm cực kì đáng yêu giữa Victoria (cựu tình báo Anh) và Ivan (cựu nhân viên KGB). Giữa chiến trường khốc liệt người chết như ngả rạ, những “cụ khốt” 6x vẫn hai tay hai súng, khiến cho đám trẻ phải khóc ra máu đúng nghĩa đen.

Và có một câu cực kì chất đến từ Frank khi anh đối đầu với William: “Kordeski huấn luyện cho mày à? Còn tao thì huấn luyện cho Kordeski đấy!”

Hài hước, khốc liệt và hấp dẫn đến phút cuối cùng, RED đem lại doanh thu 200 triệu đô dù chi phí sản xuất chỉ có 58 triệu đô, thành công này dẫn đến phần 2, nơi các điệp viên già của chúng ta tiếp tục “quẩy banh nóc” và cứu thế giới khỏi một âm mưu nổ bom nguyên tử. Tôi không biết liệu có phần 3 hay không nhưng chắc chắn tôi sẽ tiếp tục ủng hộ hội “cựu chiến binh” của Bruce Willis nếu họ tiếp tục.

Đến những màn cung đấu giới thời trang.

Giới trẻ hâm mộ dòng phim siêu anh hùng chắc chẳng còn lạ gì Catwoman do Anne Hathaway đóng và nàng Rita Vrataski của Emily Blunt trong Edge of tomorrow. Cả hai nàng diễn viên này đểu đang là những ngôi sao lớn tại Hollywood khi tham gia hàng loạt phim được cả giới phê bình lẫn công chúng đón nhận. Thế nhưng nếu muốn so sánh hai nàng với lớp diễn viên lão làng, thì không gì tốt hơn bộ phim The Devil Wears Prada năm 2006.

Thời điểm đó, Emily chỉ mới vừa có một vài thành công nhỏ ở Anh. Anne Hathaway thì thành công hơn một chút: Bộ phim Nhật kí công chúa của nàng đã đem lại doanh thu khủng cũng như những đánh giá tích cực từ giới phê bình quốc tế. Chính vì thế, mà The Devil Wears Prada trở thành một bộ phim mang cả dấu ấn cá nhân của hai nàng khi phải đối mặt với một huyền thoại trong những huyền thoại : Meryl Streep.

Phim xoay quanh nhân vật chính là Andy (Anne Hathaway) khi cô đến làm trợ lý cho Miranda Priestly (Meryl Streep), tổng biên tập tạp chí thời trang Runway. Ngay ngày đầu tiên, cô đã bị đàn chị Emily (Emily Blunt) cười vào mặt vì sự thiếu hiểu biết về thời trang cũng như về tạp chí Runway. Và những ngày làm việc đầu tiên trở thành ác mộng khi Andy không theo kịp những đòi hỏi “trên trời” của Miranda và bị kì thị vì gu ăn mặc “khác người” của mình. Nhưng với trí tuệ và ý chí tuổi trẻ, Andy dần theo kịp và trở thành trợ thủ đắc lực của Miranda. Cô cũng dần có sự cảm thông và gắn bó với bà sếp hắc ám của mình. Khi xem phim và so sánh giữa thần thái của Miranda với hai cô nàng Andy, Emily, bạn sẽ nhận thấy khoảng cách giữa hai cấp độ “lão làng” và “lính mới” khủng khiếp thế nào. Có hai cảnh làm tôi cực ấn tượng trong phim.

Thứ nhất là cảnh Andy mới chân ướt chân ráo vào công ti và cười khi thấy Miranda tỏ ra trăn trở khi phải lựa chọn giữa hai cái thắt lưng gần như giống hệt nhau.

Miranda dừng lại, ánh mắt sắc bén nhìn thẳng vào Andy và hỏi cô tại sao lại cười, khi nghe lý do xong, bà khoan thai nói:

“Cái thứ này?” . Oh, okay. Tôi hiểu rồi. Cô nghĩ rằng việc này chẳng liên quan đến cô. Cô đi đến tủ đồ và chọn quần áo, và lấy ví dụ là cái áo len màu xanh biển đó đi, bởi vì cô đang cố thể hiện rằng cô coi trọng bản thân cô hơn là những gì cô khoác lên mình.

Nhưng cô chẳng hề biết rằng cái áo len đó không đơn giản chỉ là màu xanh dương và cũng chẳng phải là màu xanh ngọc. Nó cũng không phải màu xanh đá. Mà chính xác là màu xanh da trời. Và cô cũng vô tình không ý thức được rằng vào năm 2002, nhà thiết kế Oscar de la Renta đã làm một bộ sưu tập áo màu xanh da trời. Và tôi nghĩ là Yves Saint Laurent, phải không nhỉ, chính là người đã trình diễn những chiếc áo khoác quân sự màu xanh da trời. Thế rồi màu xanh da trời nhanh chóng xuất hiện trong bộ sưu tập của tám nhà thiết kế khác nhau. Để rồi, ừ thì, nó len lỏi đến những trung tâm thương mại và lọt vào một cửa hàng Casual Corner khốn khổ nào đó, nơi mà cô, chẳng nghi ngờ gì nữa, đã lấy nó ra khỏi thùng đồ thanh lý. Tuy nhiên, màu xanh đó thể hiện hàng triệu đô la và vô số công việc và cái cách mà cô nghĩ rằng cô đã hạ một quyết định giúp mình tách bạch khỏi ngành thời trang thật là hài hước.

Trong khi thực tế là cô đang mặc chiếc áo len được chọn cho cô bởi những người trong phòng này và từ một đống “thứ” (Miranda dùng lại từ “stuff” của Andy).

Sau bài diễn văn đó, Miranda đã dạy cho Andy thấy nàng còn nông cạn thế nào. Và ngay cả khi đã thành thục, Andy vẫn còn là một cô học trò ngây thơ trong mắt Miranda.

Cảnh phim đáng nhớ thứ hai là ở cuối phim, khi biết về những đấu đá nội bộ nhằm đẩy Miranda đi, Andy đã tìm cách cảnh báo bà ta ngay trong đêm. Để rồi nàng bàng hoàng nhận ra: Miranda đã hi sinh người bạn Nigel như thí một con tốt để giữ lại quyền lực cho mình. Lời cảm ơn của Miranda dành cho Andy dĩ nhiên là có chút cảm động trong đó, nhưng vẫn là sự cười cợt đầy chế giễu dành cho một con cáo non nghĩ rằng mình đã đủ lớn để bảo vệ hồ li nghìn tuổi!

Phim kết thúc khi Andy chọn tách khỏi Miranda vì cô nhận ra mình đang trở nên giống bà ấy và không hề muốn như thế. Tuy nhiên, những gì cô học được ở Runway quả thực đã giúp cô trưởng thành hơn: cô có thêm kĩ năng, và quan trọng hơn là biết mình muốn gì, cũng như có dũng khí để chọn điều mình muốn. Những thứ ấy, chứ không phải là lời đề bạt, mới chính là “phần thưởng” lớn nhất mà một lão làng như Miranda có thể tặng cho cô.

Trong cuộc sống này, sẽ khó để thành công giống người khác nhưng lại rất dễ để phạm cùng một sai lầm giống họ. Thế nên hãy nghe người già nói về kinh nghiệm của họ, và cả những sai lầm mà họ mắc phải. Khi đó, biết đâu bạn sẽ tránh trở thành chính họ, một “người lẩm cẩm” mà bạn hay cười nhạo sau lưng.

[M] Chuyện Popcorn