Bài viết về lối diễn xuất Method acting mang nhiều ý kiến chủ quan của người viết. Trở về Hollywood những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Thời kì mà những bộ phim cao bồi, phim ca nhạc và phim tâm lý đã chấm dứt thế độc tôn của những bộ phim về thế chiến hay những bộ phim Noir vốn đã làm mưa làm gió rất lâu từ Kỉ Nguyên Vàng (Golden Age). Cái thời mà những gã đàn ông trên màn ảnh không còn đơn giản chỉ diện suit và đội mũ phớt lịch lãm nữa mà buộc phải hóa thân thành nhiều vai diễn đa dạng và yêu cầu nhiều kĩ thuật hơn.
Xem thêm:
- Tìm hiểu về Điện Ảnh môn nghệ thuật thứ 7
- Tiêu chí chấm điểm và đánh giá phim của IMDb, Rotten Tomatoes và Metacritic
“Thời thế tạo anh hùng”, cũng trong thời điểm đấy, khi Marlon Brando xuất hiện trong A Streetcar Named Desire với lối diễn xuất được phát triển bởi diễn viên người Nga Constantin Stanislavski, mà sau này còn được công chúng biết đến với cái tên Method Acting, cuộc cách mạng về diễn xuất mới thật sự bắt đầu.
Suốt những năm 70 đến cuối những năm 90, thứ bao trùm lấy Hollywood chính là sự thống trị của 2 thái cực kĩ thuật diễn xuất khác nhau. Một bên là thế hệ “hậu bối”, thế hệ “truyền nhân” được đánh giá là xứng tầm với “bố già” Marlon Brando, những gã gangster máu mặt với Robert De Niro, Al Pacino hay những gã lập dị như Jack Nicholson, Dustin Hoffman. Bên còn lại là những diễn viên có sự nghiệp đáng kính và có sức ảnh hưởng lớn như Tom Hanks, Denzel Washington, Michael Caine, Morgan Freeman cùng những ngôi sao phòng vé, những người hùng hành động điển trai như Harrison Ford, Tom Cruise, Arnold Schwarzenegger,…
Cho đến nay, thập niên 90 vẫn được xem là thập niên có nhiều tác phẩm cũng như vai diễn kinh điển nhất. Thời điểm này cũng là lúc công chúng bắt đầu biết đến tên tuổi của Leonardo DiCaprio, người mà mới đây đã được tạp chí Hollywood Reporter vinh danh là “ngôi sao của thế kỉ 20 cuối cùng của Hollywood”.
Sang đến thế kỉ 21, những năm 2000 và thập niên 2010 chính là thời đại bùng nổ của dòng phim bom tấn cùng sự xuất hiện của khái niệm vũ trụ điện ảnh Marvel, đưa dòng phim siêu anh hùng lên một tầm cao mới. Hollywood được nhận xét là dần đánh mất đi thế độc tôn của mình trong ngành công nghiệp điện ảnh. Song, không vì thế mà làm thời kì này mất đi nhiều nét đột phá về diễn xuất. First-class trong thời kì này chính là Daniel Day-Lewis, với việc chỉ tham gia 4 bộ phim nhưng lại giành tới 2 giải Best Actor trong 10 năm qua cùng với diễn xuất rất riêng của mình theo thời gian, chắc chắn ông sẽ không dừng lại ở con sồ 3 tượng vàng Oscar hiện tại.
Phần lớn những diễn viên lựa chọn kĩ thuật Method Acting tiêu biểu trong thời kì này như Heath Ledger, Jared Leto, Leonardo DiCaprio, Adrien Brody, Gary Oldman, Christian Bale, Matthew Mcconaughey đều đã có cho mình Oscar về diễn xuất. Đặc biệt, chiến thắng của Matthew Mcconaughey và Casey Affleck trong hạng mục Best Actor ở lễ trao giải Oscar lần thứ 85 và 89 chính là 2 khoảnh khắc đáng nhớ và trọn vẹn nhất đối với mình, có thể là trong 10 năm trở lại đây.
Một số người dù chưa được Viện Hàn Lâm vình danh về diễn xuất nhưng vẫn luôn nằm trong list essential/favourite ở thời điểm hiện tại và có thể có tiềm năng trong tương lai bao gồm: Joaquin Phoenix, Ryan Gosling, Matt Damon, Casey Affleck, Timothee Chalamet, Willem Dafoe, Jake Gyllenhaal, Edward Norton, Robert Pattinson, Cillian Murphy.
Xem thêm:
- Tổng hợp tất cả những review phim Oscar từ năm 1927 đến nay
- Những nụ cười điên loạn của Joker xuất phát từ nỗi buồn
Một điều luôn gây ra sự tranh cãi trong những năm gần đây, cụ thể là từ sau chiến thắng của The Hurt Locker ở lễ trao giải Oscar lần thứ 82, đó là sự ảnh hưởng của chính trị cùng các vấn đề thời sự trên thế giới đã tác động phần nào đến tính nghệ thuật trong một tác phẩm cũng như những lựa chọn về người thắng cuộc của Viện Hàn Lâm. Nhưng có một điều mà giới mộ điệu điện ảnh vẫn tin, rằng “sự diễn xuất cũng các giải thưởng liên quan đến nó” chính là bức tường thành cuối cùng cứu lấy Hollywood nói riêng và nền điện ảnh thế giới nói chung trước khi nó bị đánh sập bởi con sóng mang tên “phi nghệ thuật”.
—–
via: Alejandro González Iñárritu’ Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance)