Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)

Bài viết review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife) bộ phim về thân phận cuộc đời những người phụ nữ trong xã hội.

Phim Việt xưa nay phân biệt rõ ràng, phim thị trường cho khán giả xem, phim nào nghệ thuật làm ra đi “săn giải” thì thường không chiếu rạp. Vậy nên sự kiện Người Vợ Ba (The Third Wife) được chiếu ở các rạp Việt gây nhiều chú ý. Ngay từ lúc phim được thai nghén, ekip đã xác định phim đi dự giải nên ngay sau khi phim được làm xong đã được mang đi đông đi tây tìm giải.

Xem thêm:

Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)
Poster phim Người Vợ Ba.

Không phụ lòng trông đợi, phim mang về nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới như: Phim châu Á xuất sắc nhất ở Liên hoan phim quốc tế Toronto (TIFF); Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất dành cho Ash Mayfair tại Liên hoan phim quốc tế Chicago; Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cairo… Và sau khi được công chiếu ở hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến tháng 5/2019, Người Vợ Ba mới chính thức được công chiếu tại quê nhà.

Bài viết review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife) có tiết lộ nội dung phim, bạn cân nhắc trước khi đọc.

Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)
Mây có cuộc sống bình yên khi về nhà chồng.

Review phim Người Vợ Ba (The Third Wife)

Nội dung phim Người Vợ Ba kể về câu chuyện tại một gia đình giàu có ở vùng núi phía Bắc thế kỉ 19. Nhân vật chính của phim là Mây, một cô bé 14 tuổi được gả cho nhà địa chủ này. Tại đây, cô được chồng yêu thương, mang thai và nghĩ rằng mình sẽ sinh con trai cho đến khi một sự kiện xảy ra kéo theo nhiều biến động.

Nếu bạn mong chờ một câu chuyện tranh đấu quyền lực gay gắt giữa ba người vợ đầy drama như những phim dài tập Hàn Quốc, Trung Quốc, thì đây sẽ không phải là điều bạn cần. Dù bộ phim cũng có một chút tính chất tranh quyền lực ngầm giữa những người vợ, nhưng điểm chính đạo diễn Ash Mayfair muốn truyền tải lại là tâm lý và thân phận của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)
Cả gia đình ông Hùng đi chùa ngày đầu năm

Một câu chuyện mang vẻ bề ngoài từ thế kỉ 19, với việc nói về hôn nhân đa thê mà gần như không tồn tại ở thế kỉ 21. Nhưng việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đó là vẫn còn, hay câu chuyện về cái tôi của mỗi nhân vật trong phim là vẫn có, và quan trọng nhất là trọng nam, vấn đề về quyền phụ nữ lại thấp thoáng hiện ra trong một câu chuyện cổ xưa.

Dù có thể nhiều người khó chịu với việc nữ quyền này nữ quyền nọ, nhưng với câu chuyện của Người Vợ Ba, đạo diễn tinh tế mượn câu chuyện xưa để nói chuyện nay, mà không lố bịch như Captain Marvel. Đây không phải dạng câu chuyện phụ nữ mạnh mẽ như đàn ông, có thể làm được mọi thứ mà đàn ông làm. Không, đây là một câu chuyện nói về việc phụ nữ vẫn cần được đối xử bình đẳng như đàn ông, có ăn học tử tế chứ không phải đơn thuần là một cái máy đẻ.

Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)
Mây được sự quan tâm chăm sóc từ người vợ hai.

Trong phim điện ảnh, âm nhạc thường là công cụ giúp truyền tải cảm xúc nhanh nhất đến người xem, nhưng không phải bộ phim nào cũng như vậy. Âm nhạc không phải điểm mạnh của Người Vợ Ba, mà chính chính là sự im lặng. Sự im lặng trong phim khiến người xem có thể nghe thấy dường như những tiếng động nhỏ nhất, đó là tiếng thở, tiếng trở mình, tiếng cơ thể chạm vào nhau…. Việc thay thế nhạc nền bằng sự im lặng tạo cảm giác ngột ngạt, không khí nặng nề, căng thẳng trong mối quan hệ của các nhân vật.

Nhịp độ phim có lẽ là yếu tố khiến phim kén khán giả. Dù thời lượng phim Người Vợ Ba chỉ 94 phút nhưng cảm giác xem phim căng thẳng và khó chịu hơn cả Blade Runner 2049 – Một bộ phim dài có nhịp độ chậm. Đối với những fan của dòng phim hành động kịch tính, xem Người Vợ Ba sẽ như một cực hình. Bởi dù phim hay phim dở, nhịp độ chính thứ giữ chân người xem nhưng Người Vợ Ba lại không có thứ nhịp độ đó.

Phim thậm chí sẽ không có một cao trào nào thực sự nổi bật, câu chuyện phim cứ đều đều diễn ra. Kể cả đến lúc kết thúc, tên của đạo diễn hiện lên màn hình người xem sẽ phải giật mình “ủa! phim kết thúc rồi sao?”

Review và giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)

Vậy cuối cùng, Người Vợ Ba hay ở điểm nào? Kết thúc sao lại lãng xẹt vậy? Mở đầu đã khó hiểu mà kết phim càng khó hiểu hơn. Phần tiếp theo của bài viết sẽ giải thích những ý nghĩa và câu chuyện thực sự đằng sau câu chuyện cung tâm đấu kia.

Phần tiếp theo sẽ tiết lộ phần lớn nội dung phim đó nha!

Giải thích ý nghĩa phim Người Vợ Ba (The Third Wife)

Chuyện phim bắt đầu trong khung cảnh đám cưới của người chủ gia đình – ông Hùng (Lê Vũ Long), ông lấy cô vợ thứ 3 là Mây (Nguyễn Phương Trà My). Một mở đầu đột ngột khiến người xem như bị nhảy vào giữa một giấc mơ, ở đó, không có nguồn gốc, không biết Mây là ai, là người như thế nào, không biết gia đình ông Hùng hoàn cảnh ra sao. Chỉ đơn giản, mặc định đó là đám cưới của Mây – thiếu nữ 14 tuổi. Đêm hôm đó là những cái lần đầu của Mây, lần đầu được biết mặt chồng, lần đầu được chạm vào đàn ông và trao trinh tiết cho người chồng đó.

Gương mặt đầy vô tư của Mây trong đám cưới của mình.

Một câu chuyện không đầu không kết?

Phim không có lời dẫn truyện chỉ có những tình tiết phần lớn mang tính biểu trưng chỉ hiện ra rồi chuyển cảnh, chỉ đến khi xâu chuỗi dần những chi tiết nhỏ nhỏ đó, khán giả mới dần hiểu ra diễn biến phim. Thông qua những sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống gia đình ông Hùng được hé lộ. Ông có người cha già, hai người vợ lớn và Mây là người vợ thứ ba. Người vợ cả sinh cho ông một đứa con trai đã lớn, người vợ hai đã có với ông hai đứa con gái. Đó là một gia đình giàu có, hạnh phúc nhưng phong kiến điển hình: có người làm, có người ở, đa thê và trọng nam.

Ba người vợ đều yêu thương và chia sẻ với nhau mọi chuyện trong cuộc sống.

Mây dần làm quen cuộc sống mới mẻ ở nhà chồng qua những công việc thường nhật, cô được sự quan tâm của hai người vợ lớn và được chồng yêu thương. Rồi Mây có thai, vẫn được yêu thương đó nhưng Mây dần hiểu được vị thế của mình ở đâu trong gia đình phong kiến đó. Mây phải sinh hạ được một đứa con trai thì cô mới có vị thế trong nhà.

Trong một lần tình cờ, Mây phát hiện người vợ hai (Maya) có quan hệ bất chính với Sơn (Nguyễn Thanh Tâm) đứa con lớn của vợ cả. Mây chỉ im lặng, biết và giữ trong lòng.

Rồi Sơn đến tuổi lấy vợ, cậu ta không thể chấp nhận người vợ mới này bởi lẽ cậu đã yêu người vợ hai của cha mình. Cậu lấy lý do không thể lấy một người mà cậu chưa từng quen biết để từ chối người vợ này và muốn trả lại vợ về nhà cha mẹ đẻ. Người vợ này vì tủi nhục mà tự tử. Cũng chính trong ngày đó, Mây hạ sinh đứa con gái đầu lòng.

Kết phim có lẻ là lúc khán giả khó hiểu nhất. Hôm đưa tang đứa con dâu xấu số cũng là ngày Mây mang đứa con ra cánh đồng trống rồi cho con ăn lá ngón. Phim kết thúc ngay cảnh ấy khiến người xem không khỏi bất ngờ và tự hỏi: cái kết ấy có ý nghĩa gì?

Mỗi nhân vật nữ đại diện cho một thời điểm trong cuộc đời

Chi tiết đắt giá nhất và giúp giải thích toàn bộ nội dung phim chính là lúc Mây ôm đứa con mới sinh đến bên quan tài của người con dâu rồi nhìn thật lâu. Mây nhìn thấy cuộc đời mình, cuộc đời con của Mây và cuộc đời những người phụ nữ như Mây hiện lên trên khuôn mặt xác chết ấy.

Lúc mới xem phim, người xem cảm giác như câu chuyện không đầu không cuối nhưng thực ra đó chính là một vòng lặp về cuộc đời những người phụ nữ. Từ lúc vào nhà chồng, Mây thấy được cả quá khứ, hiện tại và tương lai của mình trong gia đình đó. Mây còn thấy cả những khả năng có thể xảy ra cho cuộc đời của mình nếu mình gây ra lầm lỗi. Mỗi nhân vật nữ trong phim đóng vai trò thể hiện một thời điểm trong vòng đời người phụ nữ trong xã hội.

Quá khứ của Mây là hai đứa con gái của người vợ hai. Đó chính là lúc những bé gái còn nhỏ, ở nhà cha mẹ đẻ, được yêu thương, được chăm sóc và được dạy về những nghĩa vụ mình sắp làm trong tương lai khi đi lấy chồng. Đứa con lớn vừa đến tuổi dậy thì, biết tự lo cho bản thân đã được định sẵn một nhà chồng “không biết mặt” – với hi vọng đó là một gia đình tốt.

Người vợ cả đã lớn tuổi, mang nhiều tâm sự và lo lắng cho gia đình.

Tương lai của Mây là cuộc đời của vợ cả và vợ hai. Người vợ hai chính là Mây trong một vài năm nữa, là lúc người phụ nữ về nhà chồng được một thời gian và hạ sinh cho nhà chồng những đứa con gái. Dù vẫn sống vui vẻ và được yêu thương đó, nhưng luôn thiếu thốn tình cảm (Kết quả là gian dâm với Sơn). Người vợ cả là hình ảnh của Mây lúc đã lớn tuổi, cam chịu số phận, cần chồng đáp ứng nhu cầu tình dục “nặng đô” hơn.

Người vợ hai ở độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ, đầy sức sống nhưng lại thiếu sự quan tâm.

Nếu Mây chưa lấy chồng mà có con thì sao? Đó là kết cục của người hầu bị trừng phạt phải cạo tóc lên chùa. Trớ trêu thay, khi cùng phạm lỗi lầm, người phụ nữ mất tất cả, phải cạo tóc lên chùa đi tu, còn nam giới chỉ bị đánh vài roi rồi được tiếp tục sống bình thường.

Mây nhận thấy mình may mắn khi được vào một nhà chồng hạnh phúc và yêu thương mình. Nhưng nếu lỡ Mây vào một nhà chồng tồi tệ thì sao? Đó chính là hoàn cảnh của đứa con dâu xấu số. Không được chồng yêu thương, bị xã hội kinh bỉ và cái kết là hành động tự tử.

Mây khi mới về nhà chồng vô ưu vô lo.

Trở lại thời điểm Mây ôm con đứng trước quan tài của người con dâu xấu số, Mây nhìn lại cuộc đời mình và những người phụ nữ xung quanh. Ở đó, Mây chỉ thấy một tương lai mờ mịt cho đứa con gái mới sinh của mình. Chỉ có một cơ hội duy nhất là khi vào được nhà chồng tốt đồng thời sinh hạ được con trai, người phụ nữ mới có cơ may sống yên ổn và có vị thế ở nhà chồng. Bèn không, mọi kết cục đều trở nên tăm tối với họ.

Giữ lại đứa con gái cũng không thay đổi cuộc đời Mây mà đứa con gái ấy lớn lên cũng không có mấy cơ hội được sống vui vẻ, chi bèn kết thúc cuộc đời nó trước khi nó nhận thức được cuộc sống. Đó là cách Mây đã chọn.

Điểm hay của Người Vợ Ba là việc đạo diễn Mayfair lồng ghép, sắp đặt hài hòa nhiều tuyến nhân vật vào một câu chuyện. Mỗi nhân vật xuất hiện vừa đủ để kể câu chuyện cuộc đời mình tiết chế một cách tinh tế không thừa, không thiếu một giây phút nào. Xuyên suốt phim là những mẫu chuyện nho nhỏ diễn ra ngẫu nhiên, không đầu không cuối chỉ đến khi xâu chuỗi lại, người xem mới tâm đắc nhận ra cái hay của những mảng ghép đó vừa khít với thông điệp mà phim truyền tải.

Hi vọng những phân tích trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về nội dung phim Người Vợ Ba. Đánh giá phim Người Vợ Ba là một phim tâm lý, tiết tấu chậm và nội dung nhiều ẩn ý nên khá kén người xem. Nếu muốn thay đổi khẩu vị trong một tuần đầy những bộ phim bom tấn hành động thì Người Vợ Ba là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn.

LeaZ

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội dung
8.2
Diễn viên
8.5
Hình ảnh
8.5
Âm nhạc
7.6
review-va-giai-thich-y-nghia-phim-nguoi-vo-ba-the-third-wifeNhịp độ phim có lẽ là yếu tố khiến phim kén khán giả. Dù thời lượng phim Người Vợ Ba chỉ 94 phút nhưng cảm giác xem phim căng thẳng và khó chịu hơn cả Blade Runner 2049

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here