Review phim Us của đạo diễn Jordan Peele

Review phim Us (Chúng ta) không hề khó xem, cốt truyện của phim nhìn chung là rõ ràng, hai tuyến nhân vật tương phản trực diện - chứ không còn trừu tượng bí ẩn như “Get Out”.

Phim Us là bộ phim thật sự khó đánh giá bằng các tính từ quen thuộc. Và dẫu cho, Jordan Peele có phát biểu về thông điệp của phim đi nữa, thì đó cũng chỉ là một tiết lộ trong vô số kiến giải thú vị về bộ phim này.

Xem thêm:

“Us” không hề khó xem, cốt truyện của phim nhìn chung là rõ ràng, hai tuyến nhân vật tương phản trực diện – chứ không còn trừu tượng bí ẩn như “Get Out”. Tuy nhiên, “Us” lại gây khó khăn trong việc lý giải bởi quá nhiều tầng nghĩa. Vì sao ư? Vì đây là 1 bộ phim biểu tượng. “Biểu tượng” là chất liệu đa nghĩa thuộc về phần chìm – cái tầng sâu nhất đòi hỏi khán giả phải “động não”. Cái năm 1986, cái hầm, con thỏ, cây kéo, áo đỏ, hình ảnh đoàn quân đỏ nắm tay, cái mặt nạ của Jason, cái gậy bóng chày, cái thang máy… nói lên điều gì? Có quá nhiều liên tưởng khiến người xem nhớ về quá khứ lẫn hiện tại.

Nhớ về quá khứ, bạn có thể thấy bóng dáng kẻ sát nhân đâu đó trong Friday the 13th (1980), Halloween (1978) hay The Hook (1963). Còn nhắc đến hiện tại, “Us” lại cho bạn trường liên tưởng đến cái thời này, ngay trong xã hội Mỹ nói riêng, và đâu đó có cả thế giới chúng ta đang sống. Nhìn như vậy thì, “Us” không chỉ tương phản về nhân vật, mà còn đưa ra sự soi chiếu nào đó giữa quá khứ và hiện tại. Và từ hiện tại, có lẽ Jordan Peele lại “dự cảm” cho một tương lại nào đó với cái tên “Us” – “United States” – “Chúng Ta”.

Từ văn học, hội họa, đến âm nhạc rồi điện ảnh, rất nhiều tác phẩm đầy biểu tượng như “Us” từng được đón nhận nhiệt tình lẫn tranh cãi. Bởi nhìn chung nó khá “kén” và đòi hỏi chúng ta phải tập trung khá nhiều. Ở các tác phẩm dạng này, bản thân nó đã tạo ra những bậc thang tiếp nhận, bậc thấp nhất bạn thấy ở “Us” là câu chuyện về một nhóm người đuổi giết 1 gia đình (đơn giản coi xem bên nào sống bên nào chết?). Ở bậc thang tiếp theo “Us” là câu chuyện về doppelgänger (kẻ song trùng), bạn biết thêm 1 khái niệm tâm linh cổ xưa kéo dài đến hiện tại. Ở bậc thang tiếp nữa, bạn đi qua các bậc thang kia, thấy “Us” còn nhuốm màu triết lý với vấn đề “bản thể”. Ở tầng cao hơn nữa, “Us” là sự phóng chiếu từ “bản thể” đến “toàn thể”, bạn thấy phim vươn tới những ngóc ngách khoa học, đạo đức, tôn giáo, chính trị, con người.

Với “Us”, thật khó để chốt hạ 1 từ “hay”, “dở”, hay “tạm ổn”. Nhưng chắc rằng đây là một trải nghiệm độc đáo và phong phú. Nếu các phim hù dọa khiến chúng ta la hét để xả strees, thì với “Us” ta lại thấy thỏa mãn đến bứt rứt, vì xem xong còn thấy thiếu thiếu chút gì đó (à, do phim bị cắt đến 3 cảnh ám ảnh nhất); khó chịu vì còn nhiều ý tưởng chưa nhận ra; ấn tượng bởi cái chuồng thỏ và âm nhạc rùng rợn; thán phục với các vai diễn quá đỗi thử thách – 1 diễn viên với 2 vai tương phản, đặc biệt là màn hóa thân “kinh điển” của nữ chính Lupita Nyong’o.

Tóm lại, “Us” là một bộ phim nên xem. Còn điều gì mà “Us” mang lại cho điện ảnh thì phải vài năm sau, thậm chí mấy chục năm sau lịch sử mới trả lời được. Hẳn nhiên, đạo diễn Jordan Peele giờ đã chính thức tạo ra “vũ trụ kinh dị” của riêng mình với chủ đề người da màu, lối kể hài hước xen lẫn rùng rợn, vận dụng nhiều chất liệu đến từ các bậc thầy phim kinh dị cho đến các motif văn hóa đại chúng.

Có 3 cảnh phim đặc biệt ấn tượng trong “Us”:

1. Cảnh chuồng thỏ, nhịp nhạc vang lên ở đầu phim
2. Cảnh “người bị xích” đứng trước căn nhà gia đình Wilson
3. Cảnh Red nhảy ba lê trong lúc giằng co với Adelaide

Với 3 cảnh phim này thôi, có lẽ Jordan Peele cũng xứng đáng là người kiến tạo hình ảnh “bậc thầy” của dòng phim kinh dị.

Phanxine

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
8.5
Diễn Viên
8
Âm Nhạc
7.5
Hình Ảnh
8.5
review-phim-us-jordan-peele-nguoi-kien-tao-hinh-anh-bac-thay-cua-dong-phim-kinh-diVới 3 cảnh phim này thôi, có lẽ Jordan Peele cũng xứng đáng là người kiến tạo hình ảnh "bậc thầy" của dòng phim kinh dị.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here