Cuối cùng đã được xem phim bộ phim mình tò mò và chờ đợi nhất tháng 5 này. Sau cú “hit” Tháng Năm Rực Rỡ, dường như ngoài việc mọi người rất mong chờ tác phẩm tiếp theo của anh Nguyễn Quang Dũng thì bản thân anh còn quyết tâm “phục thù” cho việc “Tháng Năm…” ra mắt vào tháng Ba bằng việc ra mắt một bộ phim thực sự vào tháng Năm (nóng nực) dù tên phim là Ước Hẹn Mùa Thu. Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Xem thêm:
- Review phim Hội Thú Bông Ngộ Nghĩnh (Ugly dolls)
- Review và giải thích du hành thời gian trong Avengers: Endgame (spoil)
Nhiều người cũng thấy Ước Hẹn Mùa Thu được quảng bá kiểu như phiên bản nam của Tháng Năm Rực Rỡ rồi nhỉ. Đối với mình thì hai thể loại khác hẳn nhau. Câu chuyện của Tháng Năm Rực Rỡ khá nặng, nó không chỉ là hành trình hàn gắn những mất mát tuổi trẻ của nhóm các cô bạn mà còn mang hơi thở của thời cuộc và sự trưởng thành từ bên trong. Bản gốc của Hàn còn từng bị phân vân xem có nên xếp vào thể loại thương mại hay không nữa là.
Còn Ước Hẹn Mùa Thu thì khác. Tuy vẫn là câu chuyện của một ngươi trưởng thành viết tiếp dang dở của tuổi trẻ nhưng Ước Hẹn Mùa Thu lại là kiểu phim thanh xuân của Trung Quốc, gần như là phim thanh xuân đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam, đúng không nhỉ? Vì mình cho rằng những phim thanh xuân trước đây của Việt Nam mà người ta hay tùy tiện gọi nó không phải phim thanh xuân, mà là phim học đường, vì điểm bắt đầu của bộ phim là khi nhân vật chính còn đi học. Trong khi những Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi hay Năm Tháng Vội Vã Hay So Young… – những phim thanh xuân đúng nghĩa – luôn có điểm bắt đầu ở thời hiện tại, khi nhân vật đã trưởng thành, đã có một cuộc sống gần như chẳng liên quan gì đến chuyện hồi còn ở trường và bất chợt gặp sự kiện gì đó hoặc ai đó khiến họ buộc phải nhớ lại những chuyện ngày xưa, đặc biệt là những điểm dang dở, nuối tiếc nhất.
Ước Hẹn Mùa Thu chính là câu chuyện như vậy, khi Lê Duy (Trần Quốc Anh bản trẻ/không phải B Trần) tỉnh dậy sau 15 năm hôn mê và bất ngờ khi cuộc sống xung quanh mình thay đổi 180 độ. Gia đình thay đổi, bạn thân cũng đổi luôn một thứ quan trọng của cuộc đời và đặc biệt là cô người yêu năm xưa đã có một người yêu khác. Thế là Duy chưa kịp hoàn hồn đã phải lật đật loay hoay tìm cách ứng phó với cuộc sống mới của một ông chú 32 tuổi nhưng còn chưa học hết cấp 3 và đầu óc chẳng khác nào chàng trai 18. Quan trọng nhất, chính là phải làm sao để cưa lại cô người yêu Pha Lê (Hoàng Oanh) giờ đã thành đạt và có một anh người yêu cũng thành đạt nốt.
Nghe thôi đã thấy đây là một câu chuyện có chất liệu thú vị và thật sự là anh Nguyễn Quang Dũng đã mang đến rất nhiều thứ thú vj, cảm xúc cũng như sự sảng khoái. Mình gọi đây là phim thanh xuân đúng nghĩa (với định nghĩa của mình) là vì nó thể hiện được khá nhiều sự tương phản trong bối cảnh, nhịp sống trước và sau 15 năm đứt quãng của nam chính. Nhân vật mà Kay Trần đóng mang đậm những thứ của cuộc sống giới trẻ bây giờ qua trang phục, phong cách, ngôn từ, những cuộc chơi… Còn sự ngỡ ngàng và những cố gắng tìm về quá khứ của Lê Duy sẽ khiến những người già như mình cảm thấy hoài niệm, hương vị rất cần thiết trong những phim thanh xuân.
Đoạn Duy và Lê dự lễ tốt nghiệp muộn là một trong những phân đoạn (mà mình cho là) đắt giá nhất bộ phim muốn mang đến khi mà nó có nhạc cũ, ca sĩ cũ… Đạo diễn cũng thông minh khi kết hợp cả những yếu tố thờ đại mới vào đoạn này nhưng giá như nó được làm “tới” hơn chút nữa, sến hơn chút nữa, drama hơn chút nữa thì chắc chắn cảm xúc sẽ mạnh hơn.
Bù lại, phân đoạn của Duy với Mạnh (hmm anh lấy cảm hứng từ Duy Mạnh à mà sao không có bài Kiếp Đỏ Đen vậy) sau đó ở quán rượu thực sự rất duyên dáng, nam tính và vẫn xúc động mạnh. Tình địch tuy là đối thủ, có khi kẻ thù, nhưng rõ ràng điểm giống nhau nhất của họ là cùng yêu một người. Mối quạn hệ của Duy với Mạnh tuy đến tận 1/3 cuối phim mới được focus nhưng nó lại rất đủ để Duy buông tha cho quá khứ lẫn hiện tại của mình, cũng như khán giả cảm thấy đoạn kết đủ êm đẹp. Đây cũng là một phân đoạn mà mình cho là thuộc hàng hay ho hiếm có của phim Việt.
Tuy nhiên, phim vẫn chưa thực sự chiều chuộng được bản thân mình 100%. Đoạn Duy nổi điên với Bình ở buổi tiệc chưa được chuẩn bị đủ để người ta cảm thấy Duy đã chịu đựng đủ để khi có giọt nước làm tràn ly thì cậu ta trở nên mất kiểm soát. Những cảnh quay của hai nhân vật chính ở Hàn Quốc tuy rất đẹp nhưng tiếc là mình lại thấy chưa đủ chúng ta cảm thấy vừa trọn vẹn mà cũng vừa tiếc nuồi, cảm xúc mà Pha Lê phải trải qua. Cũng như khi Pha Lê “đá Lê Duy sau một đêm” ở trên xà lan cũng chưa đủ tan vỡ và day dứt mà dòng phim này cần. Sự giật cục cảm xúc (vì cảnh hay cảnh dở) này rải rác suốt phim, nên làm mình thấy tiếc vì nó chưa khiến mình nếm được hết mùi vị của câu chuyện này, giá như có nhiều moment đắt giá hơn.
Nhạc phim vẫn là thế mạnh của anh Dũng. Lần này không độc nhất một style như mấy bản rock trong Tháng Năm Rực Rỡ nữa mà đa dạng hơn, từ ca khúc đình đám của học trò thập niên 90 như Mong Ước Kỉ Niệm Xưa, Thu Cuối, Anh Đếch Cần Gì Ngoài Em cho đến bản mash-up đậm mùi men Xe Đạp Ơi và Cây Đàn Sinh Viên. Bài hát của Hakoota ở khúc đầu cũng khá touching nhưng bài hát cuối phim lại hơi lạc lõng, nếu như là một giọng nam mình nghĩa sẽ ăn hơn.
Hoàng Oanh trong phim lần này mình chỉ thấy vừa vừa, nhân vật không đủ nặng và cũng không được xây dựng như hình tượng một cô gái khiến khán giả cũng phải tiếc nuối vì bỏ lỡ. Quốc Anh diễn tốt hơn hồi Trạng Quỳnh rất nhiều. Dù nhiều đoạn vẫn còn hơi cố gắng quá thành ra bị chới với nhưng bù lại anh chàng giải phóng được hình thể nhiều hơn, có một số cảnh thực sự cảm xúc. Mọi người vỗ tay vì Hoàng Phi rất nhiều, mình nghĩ ai đó nên cho Hoàng Phi một vai to hơn đi vì thực sự Phi rất duyên í.
Nói chung mình nghĩa Ước Hẹn Mùa Thu là một bộ phim an toàn, đáng xem. Nó không phải bước tiến cũng không phải bước lùi của anh Dũng, vẫn có rất nhiều những thứ chứng minh thế mạnh của anh đồng thời những điểm yếu từ các phim trước vẫn còn. À, nếu như lần này doanh thu lại đại thắng thì mình nghĩ anh sẽ gỡ được lời nguyền “chỉ làm phim về nữ mới ăn” đó.
Huỳnh Đắc Thọ