Review phim The Irishman và phong cách đặc trưng của Martin Scorsese

Review phim The Irishman câu chuyện của bốn người đàn ông, một đạo diễn quốc dân của Hoa Kỳ, cùng với 3 cây đại thụ, 3 diễn viên huyền thoại của thế giới.

Phim The Irishman là câu chuyện của bốn người đàn ông, một đạo diễn quốc dân của Hoa Kỳ, cùng với 3 cây đại thụ, 3 diễn viên huyền thoại của thế giới là Al Pacino, Robert de Niro và Joe Pesci.

Xem thêm:

Phim 'The Irishman' và phong cách đặc trưng của Martin Scorsese
Poster phim

Trong số các đạo diễn lẫy lừng của Hollywood thì Martin Scorsese là người xứng đáng đứng ở vị trí đạo diễn quốc dân nhất. Tất cả những bộ phim thành công nhất của ông đều kể về một thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20, thời kỳ của những chiếc xe cổ tròn trịa, của những bộ suit quyền lực và những người đàn ông theo đuổi hành trình của một giấc mơ Mỹ, bất kể đích đến của giấc mơ ấy có là tiền tài, quyền lực hay danh vọng.

Kể từ sau những tác phẩm huyền thoại như Taxi Driver, Raging Bull, Good Fellas, The Wolf of Wall Street…. người ta vẫn luôn trông đợi Martin Scorsese sẽ làm tiếp một bộ phim tội phạm về giới xã hội đen. Thậm chí, nhiều người còn trông chờ The Irishman sẽ là một tác phẩm để sánh tầm cùng với series The Godfather của đạo diễn Francis Ford Coppola.

Đạo diễn Martin Scorsese

Nhưng tôi thì nghĩ rằng một người như Martin Scorsese sẽ không cần phải làm một việc như vậy. Phong cách cá nhân của mỗi đạo diễn là điều mà đám đông ít khi cảm nhận rõ rệt. Và với những người như họ, việc vượt lên chính bản thân trong phong cách của mình là việc đáng làm hơn nhiều so với việc chạy theo cái bóng của bất kỳ huyền thoại nào cả.

Có lẽ bạn chưa từng hỏi bản thân câu này. Điều gì là thứ nước Mỹ có mà không nơi nào có?

Nước Mỹ sau cùng chỉ là một mảnh đất của đa sắc tộc, của rất nhiều con người đến từ khắp mọi nẻo đường. Những thứ họ có, từ tên tuổi cho đến quần áo, đồ ăn đều là một sự tổng hợp của thế giới. Vậy thì điều gì trong văn hoá lịch sử của Hoa Kỳ mới thực sự là độc nhất?

Tôi nghĩ Martin Scorsese là một trong những người có thể trả lời câu hỏi ấy rõ ràng nhất. Với ông đó là câu chuyện về những con người theo đuổi một giấc mơ Mỹ, những người đã sống cùng đất nước qua biết bao thời kỳ lịch sử. Họ đã góp phần biến đất nước này trở thành cường quốc, rồi sau đó cũng bị chính nước Mỹ lấy đi hào quang trong cuộc đời.

Nếu cũng là một người tìm hiểu về ngôn ngữ, bạn sẽ hiểu rằng mỗi ngôn ngữ đều phản ánh một bộ tư duy kèm theo những bộ giá trị cốt lõi của một xã hội. Thứ khiến tiếng Mỹ khác tiếng Anh nhiều nhất chính là những tư duy trọng tâm ấy. Một người đàn ông thì phải kiếm tiền nuôi gia đình. Bất cứ ai gây ra chuyện gì thì người ấy phải tự chịu trách nhiệm. Những người sống ở Sài Gòn có thể cũng đã được biết về một văn hoá ngầm liên quan tới chữ tín trong kinh doanh thì ở Mỹ cũng có một dạng “tín” giống như vậy. Chữ “tín” mới thực sự là thứ khiến bạn có được nhiều bạn bè, nhiều người tin tưởng, để kiếm tiền và sau này xây dựng cả một cơ đồ.

Đó chính là một chất Mỹ được thể hiện trong từng bộ trang phục, trong từng lời thoại của các nhân vật trong phim mà khi mở lòng ra để cảm thụ bạn sẽ hiểu. Về một mặt nào đó, The Irishman là một thước phim lịch sử dài kể về chính hành trình ấy của nước Mỹ và giữa thế kỷ 20. Chúng là thứ thể hiện cho một tiến độ về thời gian đang chảy trong phim, cùng với những chi tiết về tuổi tác dần xuất hiện trên mặt các nhân vật.

Tôi nghĩ với phim The Irishman, Martin Scorsese thực sự đã vượt qua cả hào quang quá khứ của mình. Nhưng chi tiết nói về bước tiến ấy vẫn chưa phải là những điều tôi vừa nói ở trên. The Irishman vẫn còn rất nhiều thứ khác khiến mọi người phải thốt lên rằng đây là siêu phẩm.

Đối với một tác phẩm thuộc dòng phim tâm lý tội phạm như Irishman, thứ mà nội dung trong đó chỉ toàn các ông già nói chuyện với nhau, diễn xuất thực sự là yếu tố quan trọng nhất để thành công của bộ phim. Và The Irishman làm được một điều không tưởng khi hiệu triệu được 3 lão làng của thế giới là Al Pacino, Robert de Niro và Joe Pesci – cả 3 đều đang ngấp nghé ngưỡng tuổi 80. Thậm chí Joe Pesci tưởng như đã còn từ giã sự nghiệp và không xuất hiện trong bất cứ bộ phim nào nữa. Và bất ngờ hơn nữa, khi đây lại còn là bộ phim đầu tiên có sự hợp tác giữa Al Pacino và Martin Scorsese.

Trong số cả 3 diễn viên huyền thoại ấy thì Al Pacino là người cao tuổi nhất (79), còn Robert de Niro và Joe Pesci đều đang ở tuổi 76.

Robert de Niro sẽ vào vai Frank “The Irishman” Sheeran, nhân vật chính của phim. Sau này, hai vai diễn của Joe Pesci cùng Al Pacino sẽ dần xuất hiện trong dòng thời gian của bộ phim, trở thành hai nhân vật đàn anh dẫn dắt cho Frank trong suốt cả cuộc đời, từ lúc chỉ là một người lái xe tải chở thịt cho đến từng bước tiến lớn khác ở trong đời. Đến phần nửa sau của bộ phim, có thể rất nhiều người sẽ phải bất ngờ vì đây thực ra không phải một bộ phim về gangster mà lại là một bộ phim về chính trị.

Dù đều đang ở ngưỡng thất thập, diễn xuất của các nhân vật tầm cỡ bố già trong phim vẫn sẽ khiến người xem phải xúc động. Trong đó chính là những phút nhập vai xuất thần của Al Pacino, một khuôn mặt biểu cảm méo mó nhưng đầy cảm xúc của Robert de Niro và một ánh mắt lúc nào cũng đầy ẩn ý thâm sâu của Joe Pesci.

Tất cả đều là những người đã đạt đến trình độ đỉnh cao của diễn xuất. Họ có tuổi đời từng trải của mình để thấu hiểu những ngóc ngách trong tâm lý con người, có một khả năng nhận vai xuất chúng để hoá thân thành nhân vật và ai trong cả 3 cũng đều sở hữu một thần thái trác tuyệt để khiến vai diễn của mình trở thành bất hủ.

Mỗi người nên tự xem phim “The Irishman” để cảm nhận rằng đạo diễn Martin Scorsese đã đầu tư cho nhiều góc quay cắt cảnh tốc độ cao thế nào để có thể diễn đạt chi tiết biểu cảm của các nhân vật qua ánh mắt hay khoé miệng để minh hoạ cho những phân đoạn thể hiện chiều sâu trong tâm lý nhân vật.

Trong phim The Irishman có những thước phim tưởng chừng như bất hủ về nước Mỹ. Đó là từng khoảnh khắc về thành công, về những biến cố trong lịch sử mà tưởng chừng như đang được làm chậm lại để trở thành bất tử. Trong suốt thời lượng gần 3 tiếng rưỡi của bộ phim, người xem sẽ được đi qua liên tiếp những khung cảnh như thế về nước Mỹ, mà bất cứ khung hình nào cũng đều thể hiện một nét đặc trưng về đất nước từng được coi là Tân Thế Giới này.

The Irishman được xây dựng từ một cuốn tiểu thuyết mang tên “I Heard You Paint Houses”. Đạo diễn Martin Scorsese thậm chí đã nói chuyện với Al Pacino về kịch bản của The Irishman từ 10 năm trước nhưng mãi đến gần đây mới có một đơn vị dám chi ra số tiền sản xuất khổng lồ của bộ phim này là Netflix.

Câu chuyện ấy thậm chí còn dẫn đến một tình huống hài hước trong quá trình quay phim. Lúc đó đạo diễn Martin Scorsese phải đến nói chuyện với Al Pacino về việc dáng đứng của ông trong cảnh quay vừa rồi không phù hợp với một nhân vật đang ở tuổi 49. Hiển nhiên Al Pacino đã phải phân bua “Làm sao mà tôi diễn như thể mình trẻ hơn 20 tuổi được. Còn Martin Scorsese thì đáp “Lúc tôi có ý định làm phim thì ông đã già đâu?”

Cốt truyện của phim The Irishman kể về liên tiếp những chuỗi sự kiện trong đời của Frank Sheeran từ thuở hàn vi cho đến đỉnh cao về quyền lực. Thử thách lớn nhất của bộ phim chính là các diễn viên sẽ phải thể hiện con người của nhân vật qua hàng chục năm liên tục, từ ngưỡng trung niên cho đến lúc già đi. Để làm được điều này, đạo diễn Martin Scorsese đã chi một số tiền không nhỏ dành cho bộ phim CGI để trẻ hoá các ông già từ là nam thần của Hollywood trước đây rồi lại đưa họ đến với sự yếu ớt, già nua và hom hem cuối đời.

Thứ khiến tôi nghĩ rằng Martin Scorsese đã vượt qua chính mình trong The Irishman chính là khía cạnh tâm lý. Ông đã làm rất nhiều bộ phim về thời hoàng kim của nước Mỹ, về cả cuộc đời của các tay anh chị giang hồ, nhưng chưa bộ phim nào của ông mà yếu tố khí phách đàn ông và tình nghĩa con người lại được thể hiện rõ đến như vậy. Mối quan hệ ba người của ba nhân vật chính trong phim chính là thứ thể hiện điều ấy rõ nhất, xin mời mọi người tự xem để cảm nhận.

The Irishman, giống như go, có thể là một bộ phim mà người trẻ sẽ chưa đủ trải nghiệm để có thể cảm nhận được hết. Nhưng tôi thì nghĩ, mỗi bộ phim hay đều là thứ mà mọi người nên xem nhiều lần, một phần là để tự nhìn thấy chính mình đã thay đổi hay trưởng thành lên thế nào.

Trong năm 2019, tôi cũng đã được xem nhiều bộ phim dạng thống khoái kiểu Once Upon a Time in Hollywood… nhưng thật sự sẽ không bộ phim nào qua được vị trí của The Irishman.

Lu – Mann up

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here