Phim The Imitation Game và những điều chưa được tiết lộ

Review phim The Imitation Game là bộ phim tuyệt vời và nhiều ý nghĩa. Mình xem phim ngay sau chuyến tham quan Bletchley Park và cũng đã học được nhiều điều.

Phim The Imitation Game kể về câu chuyện có thật ở Bletchley Park, một căn cứ bí mật của quân đội Anh, nằm cách London hơn 50 dặm về phía Bắc. Quân đội Anh chọn Bletchley Park làm căn cứ bí mật bởi nó đủ xa thủ đô để tránh những đợt ném bom của quân Đức, đủ xa trung tâm thành phố để giữ kín những bí mật sau cánh cổng sắt Bletchley nhưng cũng tiện đường đi tàu đi lại mỗi ngày cho những người làm việc trong đó. Chức năng chính của Bletchley Park là giải mật mã.

Xem thêm:

Phim 'The imitation game' và những điều chưa được tiết lộ

Câu chuyện lịch sử đáng nhớ

Như các bạn đã biết, trong chiến tranh thế giới thứ 2, Hitler là người cho rằng người Đức là dân tộc thông minh nhất thế giới. Với mục tiêu thâu tóm Châu Âu và liên tiếp dành những thắng lợi, Đức liên tục đánh dội bom xuống nước Anh. Để đảm bảo bí mật quân sự, mọi thông tin về kế hoạch đánh bom của quân Đức được mã hóa bằng máy Enigma, công cụ do chính người Đức Phát minh và cho rằng không ai có thể giải được mã.

Khi đến tham quan Bletchley Park, mình cũng hiểu qua trình chuyển mật mã như sau: Đầu tiên thông điệp được mã hóa bằng máy Enigma trở thành những chữ cái liên tiếp, nhìn vào không hề có ý nghĩa gì. Sau đó, những dãy chữ cái này lại tiếp tục được mã hóa bằng Morse Code (cái mã một chuỗi đã được chuẩn hóa gồm các phần tử dài và ngắn để biểu diễn các chữ cái, chữ số, dấu chấm, và các ký tự đặc biệt của một thông điệp) và chuyển qua rada. Khi nghe truyền tín hiệu sẽ chỉ thấy mấy tiếng bím dài ngắn khác nhau.

Phim 'The imitation game' và những điều chưa được tiết lộ
Ảnh chụp tại Bletchley Park

Việc biết được kế hoạch ném bom của Đức có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội Anh lúc bấy giờ để có thể phản công. Thời điểm đó, nhờ có tình báo và hệ thống rada, người Anh biết được sự tồn tại và nguyên tắc hoạt động của máy Enigma, họ có thể lấy được thông tin qua rada và nghe được mã Morse, cũng như giải mã nó thành các dãy chữ cái. Tuy nhiên, đến bước cuối cùng, giải mã dãy chữ cái thành những thông điệp có ý nghĩa là điều dường như bất khả thi bởi vì nguyên tắc hoạt động của máy Enigma dựa trên một thiết lập ban đầu do người viết code tạo ra.

Trong hình ảnh bạn có thể thấy các bánh xe, khi quay các bánh xe đó, các thiết lập của máy Enigma sẽ thay đổi, và sẽ có đến 159 triệu triệu triệu các thiết lập khác nhau. Mỗi ngày quân đức sẽ gửi một loạt các thông điệp mới về kế hoạch đánh bom mới trước 12 đêm. Như những gì mình được nghe ở bảo tàng Bletchley Park, 12 giờ đêm, khi quân Đức gửi thông điệp, sẽ có những người trực tổng đài làm việc trên hệ thống rada tại London nghe và chép lại các mã Morse, rồi chuyển thành các dãy chữ cái.

Sau đó, một người sẽ đi xe máy từ London về Bletcheley Park sẽ chuyển các thông tin vừa được giải mã. Các thông tin về đến Bletchley Park khoảng 6h sáng, và nhiệm vụ của những người giải mật mã tại Bletchley Park là giải mật mã thành thông tin có nghĩa. Họ có tất cả 18h để thử 159 triệu triệu triệu phép toán khác nhau.

Máy Enigma

Và bởi mức độ khó khăn của công việc, những người làm việc tại Bletchley Park phần lớn là các nhà toán học hàng đầu tại đại học Cambridge và Oxford. Họ được tuyển một cách bí mật, và cũng phải giữ bí mật hoàn toàn về công việc của họ.

Nội dung phim The Imitation Game

The Imitation Game là câu chuyện về Alan Turing, một giáo sư toán học từ đại học Cambridge. Ông là người duy nhất hiểu được rằng, Enigma là một cái máy và người ta không thể dùng con người để đấu lại một cái máy mà phải cần một cái máy khác. Bởi vậy, trong khi các đồng nghiệp khác, tiếp tục giải mã bằng tay, Alan Turing tập trung toàn bộ thời gian đầu của mình tại Bletchley Park để nghiên cứu chế tạo ra một cái máy giải mã.

Không phải ai cũng hiểu được thiên tài và như cách người Việt Nam vẫn nói “Lắm tài nhiều tật”. Alan cũng không phải điều ngoại lệ. Ông gặp vấn đề về khả năng giao tiếp xã hội, ông không thể hiểu được các câu nói đùa xã giao của đồng nghiệp, và đôi khi cách nói chuyện của ông khiến người khác nghĩ ông là kẻ ngạo mạn, không hợp tác.

Trong phim, có cảnh Hugh Alexander, một đồng nghiệp giải mã của Alan Turing, nghe tiếng chuông báo 12h cũng đồng nghĩa với việc một mật mã mới được phát ra và công sức cả ngày làm việc lại đổ xuống sông xuống biển. Hugh tức giận chạy đến đập phá cỗ máy của Alan. Và chính người tuyển Alan Turing vào team (Alastair Denniston) cũng không hiểu được công việc của Alan.

Trong mắt mọi người lúc đó, cỗ máy của Alan Turing chỉ là một trò viển vông, tốn kém đến hàng trăm ngàn bảng. Khi xem những đoạn phim mà Alan Turing gần như bị ngược đãi, mình thấy có gì đó phẫn nộ. Nhưng thái độ của những người xung quanh âu cũng là điều dễ hiểu. Chiến tranh mà, hàng trăm ngàn người bị chết mỗi ngày, tàu chở lương thực tiếp tế của quân Mỹ cho nước Anh bị quân Đức ném bom, và ngày qua ngày, Alan cần những khoản tiền lớn đề đầu tư cho chiếc máy hơn 1 năm chưa hoạt động và ông cũng chưa giải được mật mã nào. Cái họ cần lúc đó chỉ là sự kiên nhẫn.

Joan Clarke xuất hiện trong phim như để gỡ nút thắt trong mối quan hệ giữa Alan Turing và đồng nghiệp. Cô là cô gái thông minh, được Alan Tunring lựa chọn qua trò chơi giải ô chữ qua báo để cùng ông phát triển máy giải mã Enigma. Sự khéo léo của Joan đã giúp Alan có được những cộng sự của mình tại Bletchley Park và cô gái thông minh cũng là người giúp cho công việc của Alan rất nhiều.

Đánh giá về phim The Imitation Game

Có một điều khiến mình hơi thất vọng về bộ phim đó là các nhà làm phim đã hạ thấp vai trò của phụ nữ tại Bletchley Park. Nhìn bước ảnh chụp đội những người giải mã tại Bletchley Park, 3/ 4 số họ là phụ nữ. Điều này không phải vì phụ nữ thời điểm đó thông minh hơn đàn ông, mà vì thời điểm chiến tranh lúc đó đàn ông chủ yếu phục vụ ở chiến tuyến. Còn trong phim, Joan Clarke cũng do dự vì lời đề nghị làm việc tại Bletchley Park bởi cô ngại làm việc với một team toàn nam, và cuối cùng cố chuyển sang làm việc tại bộ phận hậu cần có nhiều nữ hơn, nhưng tất nhiên là không phải để tập trung giải mã.

Bên cạnh đó, công việc bên trong Bletchley Park là tối quan trọng. Trong đó, thậm chí, giờ giải lao hay ăn trưa, họ không được thảo luận về công việc của mình với đồng nghiệp của mình. Chuyện kể rằng, có một cặp vợ chồng, phải rất lâu sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, họ mới biết cả hai đã cùng làm việc tại Bletchley Park tại cùng một thời điểm. Nên trong phim, việc cả team nói chuyện với nhau tại pub hay quán cà phê là điều khá không tưởng.

Alan Turing đặt tên cỗ máy trong phim là Chirstopher, tên một người bạn thân của ông, người đầu tiên nói với ông về mật mã. Tuy nhiên, trên thực tế, cỗ máy giải mã tên là Victory, hay còn gọi là máy Bombe. Alan Turing tìm ra cách để Christopher hoạt động nhờ cô bạn cùng làm việc với Joan trong khi Hugh đang cố gắng tán tỉnh cô ấy lúc cả team đang đi uống tại pub. Và ngay sau khi phát hiện ra được một mắt xích, cả team lập tực chạy về căn cứ Bletchley Park để giải mã.

Với mình đó là cảnh phim rất vui nhộn (trong một chuỗi những chi tiết căng thẳng và buồn đau của phim). Đó là khi những người thông minh ở một mức nào đó mà người khác chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra mà họ đã hiểu nhau và cùng hành động. Và khi cỗ giải được thành công một mật mã trong quá khứ, Alan thốt nên rằng hóa ra cuộc đời ông chỉ cần biết 1 câu tiếng Đức duy nhất, đó là câu giúp cho cỗ máy Christopher hoạt động.

Sau khi giải được mật mã thành công, những mối lo khác lại bắt đầu. Khi những người giải mã là người đầu tiên biết được kế hoạch đánh bom của quân Đức, họ phải quyết định giữa việc ngăn chặn kế hoạch đánh bom đó, hay bảo vệ thành quả của mình đã xây dựng trong suốt 2 năm. Nếu như quân Đức biết được quân Anh đã giải được mã, họ sẽ thay đổi cách thiết lập hoặc lại sáng chế ra một loại mật mã khác, điều nay sẽ lại càng gây khó khăn cho những nhà giải mã và chính quân đội. Đó là một cảnh phim rất buồn, khi Peter Hilton, một thành viên trong nhóm giải mã, biết được kế hoạch đánh bom của quân Đức và anh cũng biết anh trai của mình đang ở trên con tàu là mục tiêu đánh bom đó. Đó là lúc, người ta cần một trái tim lạnh và thực sự dũng cảm, khi bạn lựa chọn đất nước, gia đình hay chính bản thân mình. Nhưng mình lại không thích đoạn phim này ở chỗ, người ta đẩy vai trò và trách nhiệm của những người giải mã lên quá nhiều, vào cả phần của những người chỉ huy quan sự.

Mình nghĩ, lẽ ra người quyết định chiến lược sử dụng quân đội, chống trả hay không là ở chỉ huy cấp cao hơn, không phải là những nhà toán học như Alan Turing. Trên thực tế, khi mình được nghe tại Bletchley Park, đôi lúc, quân Anh cũng phải điều chỉnh chiến lược của mình, hơi sai lệch so với thông điệp đã nghe được một chút để tránh trường hợp quân Đức biết là họ đã giải được mật mã, làm như những chiến thắng của Anh trước quân đội Đức chỉ là điều ngẫu nhiên, tình cờ.

Đóng góp của Alan Turing đã cứu sống hàng ngàn người vô tội, giúp quân đồng minh chiến thắng Phát xít và ước tính rút ngắn thời gian chiến tranh thế giới 2 năm. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ của những người giải mật mã là tiêu hủy tất cả những tài liệu họ làm việc tại Bletchley Park, và quên đi tất cả những gì họ đã làm trong suốt chiến tranh để trở về với cuộc sống của họ. Cảnh phim cả nhóm tung những tờ giấy với những mật mã người ta tưởng như vô nghĩa vào đống lửa cháy bập bùng giữa đêm, họ cùng uống và khoác vai nhau cười một cách thỏa mãn, lẽ ra sẽ là một cách kết trọn vẹn cho những năm tháng vất vả, căng thẳng và đầy những hi sinh.

Mình thích cảnh phim này, bởi nó đậm chất Anh. Trên đường phố London chẳng xa lạ gì khi bạn nhìn thấy những quán Pub, hay những chàng chai cô gái đứng uống bia/rượu ngay trước cửa quán mỗi chiều sau giờ làm việc. Pub và đồ uống có cồn là một văn hóa rất đặc trưng ở Anh.

Bí mật về Bletchley Park tiếp tục được giữ kín cho đến 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Người Đức đã tưởng họ thua về vũ khí, nhưng họ đã không biết rằng họ đã sai khi nghĩ rằng Enigma là cỗ máy không thể giải mã. Người ta được biết chiếc máy tính đầu tiên được phát minh ở Mỹ, nhưng thực ra chiệc máy tính đầu tiên do Alan Turing phát minh ra tại Anh, nhưng vì phải giữ bí mật cho đến khi câu chuyện về Bletchley Park được công bố, Bletchley Park được mở cửa cho khách du lịch vào thăm quan, chiếc máy của Alan Turing mới được mọi người biết đến.

Cuộc đời Alan Turing

Trong thời chiến Alan Turing là người anh hùng, người đã cứu hàng ngàn người, đã khiến cho những khu phố, con tàu thoát khỏi những cuộc ném bom của quân đội Đức, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc đời và nước Anh đã đối xử với ông quá tàn nhẫn. Một điều không bình thường của Alan Turing cũng là điểm yếu của ông lúc bây giờ đó là ông là người đồng tính, một điều không thể chấp nhận được Anh thời điểm đó. Và ngay cả trên tiểu sử của Alan Turing tại bảo tàng Bletchley Park, người ta cũng ghi Alan Tunring bị kết tội thiếu đứng đắn một cách ghê tởm, bởi ông là người Gay.

Mặc cho những đóng góp của ông trong chiến tranh, ông vẫn bị kết tội không thể tha thứ. Ông được lựa chọn hoặc ngồi tù hoặc uống thuộc thay đổi hooc môn. Và ông chọn cách uống thuốc. Nhưng chính cái thứ thuốc ấy khiến ông gặp các vấn đề về sức khỏe, khi đôi tay liên tục run rẩy khiến ông không thể cầm bút để chơi trò chơi giải ô chữ yêu thích của mình nữa. Những áp lực về tinh thần và sự hủy hoại sức khỏe khiến ông kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự vẫn ở tuổi 41.

Nói về khoa học nhưng phim The Imitation Game không phải một bộ phim khô khan và “hại não”, diễn ra trong thời kỳ chiến tranh nhưng cũng không hề đẫm máu, tất nhiên đau thương là điều không thể tránh khỏi, nhưng các nhà làm việc cũng đã khéo léo biên kịch hóa các câu chuyện tại Bletchley Park bằng một mối tình. Có thể thấy Joan Clarke yêu Alan Tunring bởi sự thông minh của anh, nhưng tình yêu ấy cao cả hơn khi một ngày cô biết ông là người đồng tính. Cô vẫn sẵn sàng chấp nhận cuộc hôn nhân với Alan để giúp ông che giấu đi con người bị xã hội khinh bỉ của mình. Cô có thể sống với Alan như một người bạn, cũng nhau tận hưởng niềm vui bằng công việc và thành tựu từ chính trí tuệ của mình. Nhưng Alan đã từ chối và để cho Joan có một cuộc sống như một người phụ nữ bình thường.

Cảnh phim Alan Turning và Christopher khi đi học đang truyền giấy trong giờ học bằng mật mã

Phim cũng kể về tuổi thơ của Alan Turing bị bắt nạt tại Cambridge, khi cậu bạn thân Christopher như ánh sáng giữa cuộc đời đầy bóng tối của ông, người giúp ông thoát khỏi những trò đùa của lũ bạn chỉ vì sự “không bình thường của mình”, người đầu tiên đã đưa ông cuốn sách về mật mã. Nếu bạn tò mò đó là cuốn sách gì thì mình tham khảo các bạn trên mạng nói đó là cuốn “The Code Book” của Simon Sign nhé. Nhưng hóa ra cuộc đời Alan Turing vẫn chỉ là một chuỗi bất hạnh, khi sau kỳ nghỉ ông nhận được tin cậu bạn Christopher mất vì bệnh lao.

Mình không rõ đây là 2 nhân vật hư cấu hay có thật, nhưng với phim The Imitation Game, Christopher và Joan Clark có lẽ là 2 người có vai trò quan trọng trong cuộc đời Alan Turing. Họ giúp ông hòa nhập với cộng đồng xung quanh và giúp ông giải được những mật mã. Và quan trọng hơn, với ước mơ quá đổi nhỏ bé của Alan là “Được là một người bình thường”, cả hai con người ấy đã nói với ông rằng:

Đôi khi những người ai cũng tưởng không là gì lại làm được những điều không tưởng.

Mình đã khóc khi nghe đoạn hội thoại cuối phim, khi Joan Clarke đến nhà thăm Alan Turing.

“Joan Clarke: Do you know, this morning I was on a train that went through a city that wouldn’t exist if it wasn’t for you. I bought a ticket from a man who would likely be dead if it wasn’t for you. I read up, on my work, a whole field of scientific inquiry that only exists because of you. Now, if you wish you could have been normal… I can promise you I do not. The world is an infinitely better place precisely because you weren’t.”

Tạm dịch: “Anh có biết không, sáng nay em đi trên một con tàu, đi qua một khu vực mà lẽ ra nó đã không còn tồn tại nếu như không có anh. Em mua chiệc vé tàu từ một người đàn ông có lẽ đã chết nếu như không có anh. Em làm việc trong một lĩnh vực khoa học mà đã không thể có nếu không có anh. Giờ anh ước mình là một người bình thường, nhưng em không nghĩ vậy đâu. Bởi thế giới này đã thực sự tốt hơn rất nhiều bởi một người không bình thường như anh”.

Mặc dù sau khi chết rất lâu, Alan Tunring được nữ hoàng ân xá và ghi nhận công lao của ông đóng góp cho chiến tranh, nhưng cuối cùng thì mình thấy điều đó quá muộn, một thiên tài đã phải sống một cuộc đời đầy những đau thương.

Đánh giá phim The Imitation Game là bộ phim tuyệt vời và nhiều ý nghĩa. Mình xem phim ngay sau chuyến tham quan Bletchley Park của mình, và mình cũng đã học được nhiều điều:

Hóa ra toán học, cái môn nhiều người hỏi học để làm gì lại có ứng dụng to lớn và phi thường đến như vậy. Việc học nào có lẽ cũng sẽ hấp hẫn hơn nếu người ta biết được những ứng dụng của nó. Sau này, nếu có bạn nào đang ghét học toán, hãy xem phim The Imitation Game.

Điều thứ 2, mỗi người đều có những khuyết điểm và những bí mật của riêng mình, điều chúng ta cần làm là tôn trọng, vị tha và yêu thương. Có lẽ cuộc đời của Alan Tunring đã phần nào tốt đẹp hơn khi những người khác chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của ông.

Điều thứ 3. khác biệt đôi khi là một lợi thế không phải một khuyết điểm. Vậy nên hãy là chính bản thân mình và làm những điều mà mình luôn tin tưởng.

Điều thứ 4, thiên tài nhưng tốt hơn là có một team, bởi vậy kỹ năng gia tiếp xã hội và “lấy lòng người khác” đôi khi rất quan trọng. Trong phim bạn sẽ thấy, Alan Turing lẽ ra đã bị đuổi việc khi máy Bombe còn chưa ra kết quả, nhưng chính những người đồng nghiệp, mặc dù trước khi cũng rất khó chịu với Alan đã giúp ông tiếp tục công việc của mình.

Điều thứ 5, phải cần một cỗ máy để đấu lại với một cỗ máy, nhưng chính con con lại làm nên những điều không thể, điều ta cần chỉ là tầm nhìn, sự cố gắng và sự kiên nhẫn. Và nếu ai cũng nghĩ Enigma là cỗ máy không thể giải được thì chẳng biết thế giới bây giờ sẽ ra sao.

Tóm lại đánh giá phim The Imitation Game quá hay và Bletchley Park là nơi rất đáng tham quan nếu bạn đến Anh, nó chỉ cách London 2 bến tàu thôi.

Viết bởi: @phuong.anh.violet / @vitamin.books