Review phim The French Dispatch lối kể chuyện mới của Wes Anderson

Review phim The French Dispatch tác phẩm đưa người xem vào thế giới Wes Anderson đầy màu sắc và kiêu kỳ và lối kế chuyện cuốn hút.

Tác phẩm mới nhất của Wes Anderson – phim The French Dispatch – được thể hiện như một màn trình diễn đầy chất thơ và suy tư về ngôn từ. Bộ phim kể những câu chuyện diễn ra ở Pháp qua ống kính của các phóng viên ngoại quốc. Bằng cách dịch các câu chuyện từ trang báo sang định dạng điện ảnh, đạo diễn Wes Anderson thể hiện khả năng kể chuyện bằng hình ảnh một cách sáng tạo, hài hước và rất mượt mà.

Xem thêm:

The French Dispatch có sự ảnh hưởng rất nhiều từ Làn sóng điện ảnh mới của Pháp, phim hài kịch những năm 30 và văn hóa đại chúng những năm 60. Là một khán giả, người xem cảm thấy như đang đọc toàn bộ tạp chí chỉ sau khi xem bộ phim. Những mẫu chuyện về nghệ thuật, chính trị và ẩm thực, nhưng không có câu chuyện nào trong số đó được viết theo lối kể quen thuộc của một ấn phẩm tin tức thông thường.

Những mẫu truyện trên trang báo

Các câu chuyện trong phim lấy bối cảnh chính tại Ennui-sur-Blasé, một thị trấn hư cấu của Pháp, nơi các nhân viên của tờ báo The French Dispatch có trụ sở tại Kansas – đang chuẩn bị xuất bản số cuối cùng sau cái chết của biên tập viên Arthur Howitzer Jr. (Bill Murray). Những câu chuyện của các nhà báo đóng vai trò là chủ đề của bộ phim.

Bốn câu chuyện khác nhau tạo nên toàn bộ nội dung của The French Dispatch và chúng tương ứng với các phần khác nhau của tạp chí: du lịch, nghệ thuật, chính trị và ẩm thực.

Một góc nhỏ đầu tiêu của tạp chí là chuyên mục du lịch của nhà báo Herbsaint Sazerac (Owen Wilson). Bài viết là chuyến du ngoạn bằng xe đạp giới thiệu những nét đặc trưng của thành phố Ennui-sur-Blasé. Bài viết được sắp đặt ở ngay đầu phim cũng nhằm giới thiệu bối cảnh tạo tiền đề cho những câu chuyện tiếp theo.

Câu chuyện thứ hai về một nghệ sĩ thiên tài đang thụ án tù tên là Moses Rosenthaler (Benicio Del Toro). Ông đem lòng yêu nữ quản ngục Simone (Léa Seydoux) và bắt đầu vẽ những tác phẩm ấn tượng về cô. Tài năng của Moses được phát hiện thông qua một triễn lãm nghệ thuật trong nhà tù. Tên tuổi của ông dần nổi tiếng, trường phái của ông trở thành trào lưu và tác phẩm của ông được thế giới săn đón.

Câu chuyện thứ ba kể về nhà báo Lucinda Krementz (Frances McDormand) đang thực hiện nhiệm vụ viết tiểu sử về Zeffirelli (Timothée Chalamet), thần đồng cờ vua trẻ tuổi và là nhà hoạt động chính trị. Lucinda nảy sinh tình cảm với Zeffirelli và bị cuốn vào câu chuyện biểu tình của những người trẻ với chính quyền.

Câu chuyện cuối cùng của nhà phê bình ẩm thực Roebuck Wright (Jeffrey Wright). Trong lúc đi ăn tối để lấy tư liệu viết bài về đầu bếp (Stephen Park), ông bị cuốn vào vụ bắt cóc con trai của Ủy viên cảnh sát.

Giống như phong cách kể chuyện của báo chí, The French Dispatch làm sáng tỏ các tầng khác nhau của một câu chuyện với độ chính xác đáng kinh ngạc. Bộ phim bắt chước hình thức nghệ thuật kể chuyện trên tạp chí thông qua việc kết hợp các yếu tố hình ảnh.

Phong cách làm phim của của Anderson đặc trưng bởi bố cục đối xứng, màu sắc ấn tượng và sự thay đổi tỉ lệ khung hình. Vậy nên, khi nói về phim của của Anderson mà không nhắc đến nghệ thuật hình ảnh thì thực sự là thiếu sót lớn.

Chuyển đổi bảng màu

Trong các tác phẩm của mình, Anderson luôn sử dụng những set phông nền và phục trang đầy màu sắc, sành điệu và nổi bật. Và trong phim The French Dispatch, điều này sẽ được biến đổi liên tục, tùy thuộc vào câu chuyện và bối cảnh.

Trong câu chuyện The Concrete Masterpiece (Kiệt tác bê tông), phần lớn diễn biến đều có màu đen trắng, chỉ những lần các tác phẩm của Moses xuất hiện thì mới chuyển sang các mảng màu. Điều này có thể được hiểu nhằm mục đích làm nổi bật chính tác phẩm nghệ thuật và khiến nó trở nên nổi bật.

Đến câu chuyện Revisions to a Manifesto (Bản sửa đổi cho Tuyên ngôn) thì ngược lại, diễn biến phần lớn được kể trong cảnh phim màu. Và cuối cùng, màu đen trắng lại chủ đạo trong câu chuyện thứ tư. Sự thay đổi màu sắc làm cho The French Dispatch năng động hơn, thể hiện rõ góc nhìn, sự quan tâm của tác giả đối với từng nội dung muốn truyền tải.

Thay đổi tỉ lệ khung hình

Sự thay đổi về tỉ lệ khung hình trên một bộ phim điện ảnh khá hiếm gặp nhưng đối với Wes Anderson thì đây không phải quá mới. Ông đã từng áp dụng kỹ thuật này trong tác phẩm trước đó là The Grand Budapest Hotel nhằm chỉ ra sự thay đổi giữa các khoảng thời gian. Còn trong The French Dispatch, sự thay đổi tỷ lệ khung hình được sử dụng nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau.

Phần lớn thời lượng phim được quay với tỷ lệ khung hình tiêu chuẩn 1,37:1. Đây là tỉ lệ khung hình đặc biệt đã được sử dụng trong nhiều bộ phim Pháp truyền cảm hứng cho đạo diễn Wes Anderson làm nên tác phẩm này. Sử dụng tỉ lệ khung 1,37:1 còn nhằm tái tạo cảm giác về mốc thời gian những năm 30s 40s của thế kỉ trước, thời điểm diễn ra các câu chuyện trong phim.

Trong khi đó, tỷ lệ khung hình 2,39:1 đôi khi được sử dụng để mang lại cho The French Dispatch một cái nhìn năng động, táo bạo, đôi khi để thể hiện những góc nhìn mới, góc nhìn rộng toàn cảnh.

Chuyển đổi bảng màu và tỷ lệ khung hình đều nhằm mục đích gợi lên một thẩm mỹ làm phim cổ điển, phù hợp với bối cảnh của phim và yếu tố lịch sử hư cấu trong cách kể chuyện. Đây là phong cách mang đến nét đặc trưng cho Wes Anderson, giúp ông thành công trong việc tạo nên một The French Dispatch ấn tượng và khác biệt.

Lối kể chuyện

Phim The French Dispatch không chỉ đưa người xem vào thế giới Wes Anderson đầy màu sắc và kiêu kỳ, mà còn kể những câu chuyện cực kỳ thú vị theo nét hài hước. Phim không tập trung vào một câu chuyện duy nhất, Anderson tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đáng kinh ngạc, không giống bất cứ thứ gì ông từng làm.

Đầu tiên phải kể đến tốc độ kể chuyện cực nhanh, nhiều lúc người xem không theo dõi hết diễn biến các sự kiện hay các tiểu tiết. Cách kể chuyện này khiến khán giả liên tưởng đến cảm giác đang đọc một cuốn tạp chí thực sự. Đó là cảm giác muốn đọc lướt qua tất cả các mẫu tin để hấp thụ hết mọi câu chuyện trong nó trước khi gấp lại để trở lại với công việc thường ngày.

Không chỉ tốc độ mà cao độ cũng khá kì lạ. Câu chuyện được dẫn dắt đều tăm tắp dù cho đó là đoạn mở đầu hay là lúc cao trào kịch tính. Kể cả câu thoại của các nhân vật cũng bình thản và không có quá nhiều biểu cảm. Vậy nên, dù phim quy tụ hàng loạt các diễn viên kì cựu như Willem Dafoe, Bob Balaban, Christoph Waltz, Henry Winkler, Elisabeth Moss, Saoirse Ronan, Edward Norton và Mathieu Amalric… nhưng không có màn trình diễn nào của họ nổi bật. Mọi ngôi sao trong phim của Anderson đều đóng vai trò như nhau, tất cả họ đều làm nền cho những mẫu chuyện – thứ duy nhất quan trọng trong phim. Điều này không hoàn toàn bất thường trong vũ trụ điện ảnh của Anderson, nhưng The French Dispatch đưa nó lên một tầm cao mới về sự đồng nhất và tối giản.

Cách dẫn dắt nội dung trong phim phản ánh những nét đặc trưng của báo chí. Những mẫu tin trong The French Dispatch không nhất thiết phải hoàn hảo, được sắp xếp gọn gàng hay kịch tính. Bởi bản chất báo chí là để kể những câu chuyện. Câu chuyện không cần tuyến tính, nó ở trạng thái trung lập, được tường thuật qua góc nhìn của tác giả.

Phim The French Dispatch kể những câu chuyện trong những câu chuyện. Những mẫu tin đó đôi khi có một vài chỗ cần chặt chẽ hơn, kịch tính hơn hay thậm chí có nhiều đoạn phải bị cắt bỏ. Ngay cả khi có những sai sót đó, chúng vẫn là những món quà, được gói gọn trong quá trình làm phim theo phong cách của Anderson và được giới thiệu cho khán giả như một lời nhắc nhở về lý do tại sao nghệ thuật và văn hóa lại vô cùng quan trọng.

The French Dispatch là câu chuyện về những người kể chuyện. Với cách kể ấn tượng, màn trình diễn của các diễn viên và lời thoại tuyệt vời sẽ khiến bạn bật cười, đây là một trong những tác phẩm hay nhất của Wes Anderson từ trước đến nay.

Lion

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
8.7
Nhân vật
8.9
Hình Ảnh
9.2
Âm Nhạc
8.8
review-phim-the-french-dispatch-cua-wes-andersonPhim The French Dispatch không giống bất cứ điều gì Anderson từng làm. Thay vì tập trung vào các mối quan hệ giữa các nhân vật như trong “The Royal Tenenbaums” và “Moonrise Kingdom”, ông tập trung gần như toàn bộ vào những câu chuyện.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here