Review phim Corn Island (2014) tuyên bố chủ quyền của thiên nhiên

Tôi xem nhiều phim, có thể nói là đủ để biết được phim nào hay/dở hoặc hợp gu. Và cái poster của Corn Island lại gây ấn tượng với tôi một cách giản dị giữa hàng loạt những poster rùng rợn, bí ẩn, độc đáo và nhiều màu sắc, thiết kế của những bộ phim ăn khách khác. Click vào xem qua nội dung thì thấy phim được chấm 8 điểm, khiến tôi tò mò xem ngay. Corn Island là một bộ phim thú vị, như một ly nước tinh khiết từ thiên nhiên mát lành giữa một loạt những thể loại bom tấn, kỹ xảo hoành tráng chỉ khiến ta mỏi mắt mà thôi.

Corn Island là bộ phim của Gruzia được đề cử tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2015. Đây là bộ phim dễ xem, nhưng không dễ để bạn có đủ kiên nhẫn theo dõi, vì nội dung không có gì độc đáo, ấn tượng như nhiều tác phẩm điện ảnh khác, nhưng nó vẫn là một bộ phim đặc sắc, sự đặc sắc được tạo nên bởi những điều đơn giản mà sâu sắc.

Xem thêm: 

Qua 1 phút giới thiệu đầu phim, chỉ cần đến phút thứ 5 thì một là bạn chuyển phim khác, hai là sẽ bắt đầu thấy buồn ngủ. Nếu cố được đến phút thứ 10 thì bạn phải rất kiên nhẫn. Đến phút thứ 15 thì quá sức của sự kiên nhẫn rồi. Nhưng đến phút thứ 20 thì tôi đảm bảo bạn chẳng thể kiên nhẫn được nữa đâu, mà bạn thực sự là rất phi thường nếu xem được đến những phút đó. Bởi 20 phút đầu trôi qua, các nhân vật trong phim chẳng nói một lời nào. Và suốt độ dài 1h40 phút mỗi diễn viên chỉ phải thuộc chưa đến chục câu thoại. Có lẽ đó là lý do mà các trang chuyên chiếu phim lậu lại dịch sub một bộ phim dễ gây buồn ngủ và thử thách độ kiên nhẫn của khán giả đến vậy. Tất nhiên không hiếm những phim ít lời thoại, nhưng câu chuyện trong Corn Island quá bình dị, không có nhiều chi tiết nổi bật, đặc sắc, gây shock, thậm chí có những chi tiết trong phim dễ khiến khán giả so sánh với nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc khác.

Đọc đến đây mà thấy tò mò xem thì bạn nên dừng lại để tìm phim xem vì đoạn sau tiết lộ nội dung. Nếu không đủ kiên nhẫn thì hãy đọc tiếp.

Nhìn poster của Corn Island là gợi nhớ đến “The Isle” hay “Spring, Summer, Fall, Winter, and Spring” của Hàn Quốc. Nhưng không đẹp và khốc liệt như thế, mà Corn Island mang một vẻ đẹp xù xì và dữ dội một cách bình dị.

Corn Island bắt đầu bằng dòng giới thiệu như trong một câu chuyện thần thoại:

“Với dòng nước chảy xiết quanh năm sông Enguri đã đưa đất đá từ vùng Cáp Ca vào Biển Đen, tạo nên những cù lao trong tiếng ầm vang. Những cù lao này là một điều may mắn cho nông dân địa phương. Họ đã bỏ bờ sông sũng nước, vì đất trên cù lao màu mỡ hơn. Giữa mùa xuân và mùa thu, họ có thể trồng đủ ngô, để nuôi sống gia đình trong một thời gian dài, mùa đông lạnh giá. Nhưng chỉ khi nào thiên nhiên bằng lòng giúp đỡ“.

Và bộ phim bắt đầu rất chậm. Tuyến nhân vật chính chỉ có 1 người ông, 1 cô cháu gái, 1 anh lính bị thương, và 7 anh lính, 3 phe này và 4 phe kia. Bối cảnh chỉ xoay quanh một vùng đất bồi giữa dòng sông để trồng ngô. Từ mùa xuân khi 2 ông cháu bắt đầu dựng nhà và gieo trồng, qua mùa hạ vườn ngô xanh tươi cuộc sống vẫn bình lặng trôi qua, nỗi phiền toái duy nhất chỉ là những anh lính đi xuồng tuần tra, hay đứng trên bờ trọc ghẹo nhòm ngó cô cháu gái. Rồi đến mùa thu một người lính đảo ngũ bị thương xuất hiện, cuộc sống của 2 ông cháu có sự đảo lộn. Những người lính 2 bên bờ sông thường xuyên tra hỏi và cô cháu gái nảy sinh tình cảm với chàng trai. Tuy nhiên hòn đảo nhỏ của họ vẫn bình yên cho đến khi mùa đông đến cũng là lúc thu hoạch ruộng ngô để trở về đất liền thì chàng trai ra đi, những cơn mưa bão ập đến, thuỷ triều dâng và hòn đảo cùng ngôi nhà nhỏ chìm trong biển nước. Kết thúc mùa xuân lại về, những đợt sóng nước lại bồi lên vùng đất mới.

Nội dung phim chỉ có vậy, chẳng có gì quá đặc sắc, tiết tấu chậm, dễ bị so sánh các chi tiết giống với nhiều bộ phim khác, nhưng Corn Island vẫn có cách thể hiện độc đáo riêng.

Vì không hiểu lắm về địa lý, chính trị nên tôi thực sự không rõ những người lính thuộc phe nào, nhưng dù có sự tranh chấp, có quân phục và súng đạn của 2 phe thì những phát súng trong phim lại vang lên trên vùng đất nhỏ giữa 2 bên bờ sông đang tranh chấp, đó là sự khẳng định chủ quyền của người đàn ông già trên hòn đảo nhỏ của mình.

Và chỉ cần đoạn thoại ngắn này, bắt đầu xuất hiện ở phút thứ 20 của phim, là đủ để tôi thấy đây là một tác phẩm điện ảnh vô cùng sâu sắc và mang giá trị nghệ thuật cao:

“– Họ là người Gruzia hả ông?
– (Người ông gật đầu)
– Ông ơi vùng đất này thuộc về Gruzia à?
– Đấy, bên kia là đất họ ( Người ông chỉ tay về phía bờ sông)
– Vậy đất này thuộc về ai?
– Thuộc về kẻ tạo ra nó”

Với tôi đây chính là điểm nhấn, mang đến cho một bộ phim đơn giản, tưởng như không có gì hấp dẫn bỗng trở nên đặc sắc. Đó như là lời “tuyên ngôn về chủ quyền“: Thiên nhiên đã tạo nên vạt vật, bồi đắp lên những vùng đất, lãnh thổ và nó không phải là chủ quyền sở hữu của con người và con người rồi cũng thuộc về thiên nhiên.

Corn Island là một hình tượng, mang tính ẩn dụ. Bộ phim bắt đầu từ hình ảnh người đàn ông tìm ra vùng đất, dựng nhà, gieo trồng để xây dựng cuộc sống giữa bốn mùa của thiên nhiên. Để rồi đến cảnh cuối cùng, thiên nhiên lấy lại tất cả những thứ thuộc về mình, kể cả con người.

Phần trailer được dựng rất hấp dẫn với lời giới thiệu: “The river brings life… The land brings struggle” – “Dòng sông mang đến cuộc sống, đất mang đến chiến tranh“. Không biết dịch thế nào cho hay đây? Sông nước là biểu tượng của sự sống, những vùng đất là biểu tượng của những cuộc khai phá, đấu tranh để giành chủ quyền. Và Corn Islad muốn gửi tới một thông điệp:

Mọi cuộc tranh chấp đều là vô nghĩa, bởi thiên nhiên bồi đắp nên những vùng đất, lãnh thổ thì nó cũng có quyền năng phá huỷ tất cả. Như quy luật của tạo hoá, bốn mùa đổi thay, vạn vật vẫn sinh sôi, nẩy nở, phát triển, rồi lụi tàn để lại tiếp tục được bồi đắp.

Hanhfm