Review phim Love, Simon trái tim và thân thể ta chỉ được sống một lần

Sau Call Me by Your Name được đề cử Oscar Phim hay nhất, điện ảnh Mỹ có thêm một bộ phim về đề tài đồng tính được đánh giá cao khác là phim Love, Simon.
Xem thêm:
Cả hai phim đều có điểm chung là được chuyển thể từ tiểu thuyết hay và đều phát hiện ra những nam diễn viên trẻ sáng giá (Timothee Chalamet và Nick Robinson đều sinh năm 1995). Call My by Your Namelà bản tình ca chân thành, say đắm và cảm động của một chàng trai mới lớn với tình yêu đầu đời trong mùa hè nước Ý những năm 1980.

Trong khi đó, Love, Simon là những trải nghiệm của một chàng thiếu niên nước Mỹ thời hiện đại khi “bí mật” mà cậu chưa muốn tiết lộ bị phanh phui trước toàn trường.

Hai phim có phong cách kể chuyện khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự chân thành, ngọt ngào, chạm được vào cảm xúc của khán giả. Và hơn tất cả, những bộ phim về đề tài đồng tính đương đại của nước Mỹ ngày nay đã mang một màu sắc khác và để lại những thông điệp tươi sáng hơn.
Câu chuyện “come out”

Call Me by Your Name của đạo diễn Italy Luca Guadagnino từng là hiện tượng tại LHP Sundance từ đầu năm 2017 và tiếp tục gây tiếng vang tại mùa giải Oscar năm 2018. Còn Love, Simon mới ra mắt khán giả Mỹ vào tháng 3/2018 và được khởi chiếu tại Việt Nam từ cuối tuần này.

Bộ phim lãng mạn bi, hài về tuổi mới lớn này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách Simon vs. The Homo Sapiens Agenda của nhà văn Becky Albertalli. Nhân vật trung tâm là Simon Spier (Nick Robinson), một thiếu niên có gia đình hạnh phúc và 3 người bạn thân chung lớp.

Love, Simon ra rạp từ cuối tuần này. Ảnh: 20th Century Fox.
Love, Simon ra rạp từ cuối tuần này. Ảnh: 20th Century Fox.

Simon chỉ có một bí mật: cậu là người đồng tính. Cậu tìm mọi cách để cân bằng cuộc sống với gia đình, những người bạn và đặc biệt là một mối quan hệ “ẩn” trên mạng với một anh chàng gay khác cũng đang giấu thân phận qua một cái nick ảo.

Nhưng bí mật của Simon có nguy cơ bị tiết lộ khi một người bạn học cùng lớp phát hiện những email của cậu chưa kịp “sign out” trên máy tính của nhà trường. Người này đe dọa, gây sức ép buộc Simon phải giúp anh ta tiếp cận một trong hai cô gái xinh đẹp trong nhóm bạn của cậu.
Love, Simon có nhịp phim khá chậm rãi ở nửa đầu. Đạo diễn dùng phần lớn thời lượng của bộ phim để xây dựng tâm lý nhân vật vững chắc và những mối quan hệ của Simon với gia đình và bạn bè trước khi đưa cậu vào một thử thách và đồng thời bộc lộ tính cách ở nửa sau.

Điểm sáng của bộ phim chính là cách xây dựng tâm lý lưỡng nan của Simon về chuyện tiết lộ hay không giới tính của mình. Dù có chút sợ hãi, nhưng cậu nghĩ đồng tính đơn giản là vấn đề cá nhân của cậu.

Trong lá thư gửi cho Blue, cậu bạn gay cũng đang che giấu thân phận trên mạng, Simon cho rằng “thật không công bằng khi chỉ có những người đồng tính mới buộc phải ‘come out’ (tiết lộ mình là gay)”.

Phân đoạn này được xử lý rất hài hước khi Simon tưởng tượng ra cảnh những người bạn dị tính của mình cũng phải chịu cảnh “đau khổ” khi buộc phải tiết lộ mình là… dị tính trước sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của bố mẹ họ.
Ai cũng xứng đáng có tình yêu đẹp

Simon không ngại “come out”, vấn đề chỉ là thời điểm thích hợp. Nhưng khi bị đặt vào tình huống bị kẻ khác nắm giữ bí mật và đe dọa tiết lộ với toàn trường, cậu lại rơi vào căng thẳng và liên tục có những hành xử sai lầm.

Cách xây dựng tâm lý nhân vật tinh tế, lối kể chuyện nhẹ nhàng, hạn chế lên gân hoặc bi lụy, rất thấu hiểu về tâm lý tuổi mới lớn của Love, Simon phần nào khiến người viết liên tưởng đến một phim thành công khác về tuổi mới lớn gần đây là The Perks of Being a Wallflower (2012) hay những tác phẩm kinh điển của đạo diễn John Hughes trong thập niên 1980-1990.

Trên trang Rotten Tomatoes, Love, Simon nhận được điểm số “tươi” 92% của giới phê bình. Hầu hết các chuyên gia tên tuổi đều dành cho phim từ 3,5-4 sao và khen ngợi sự dịu dàng, ngọt ngào, ấm áp và hài hước cũng như tác động tích cực của phim tới khán giả trẻ.

Nick Robinson thể hiện xuất sắc với vai Simon. Ảnh: 20th Century Fox.
Nick Robinson thể hiện xuất sắc với vai Simon. Ảnh: 20th Century Fox.

Một điểm sáng khác và dàn diễn viên trẻ tài năng, trong đó nổi bật là Nick Robinson vai Simon và Katherine Langford (nữ diễn viên trẻ người Úc nổi lên nhờ series 13 Reasons Why) vai cô bạn thân Leah. Hai diễn viên trưởng thành là Jennifer Garner và Josh Duhamel – vai cặp bố mẹ tâm lý và vui tính của Simon – cũng để lại nhiều cảm tình cho khán giả.

Đoạn kết tươi sáng, cảm động và lãng mạn với thông điệp tích cực “ai cũng xứng đáng có một tình yêu lớn trong đời” cũng là một điểm đáng khen ngợi khác của phim này, giúp dòng phim về đề tài đồng tính đương đại của Mỹ không còn nhiều bi lụy như trước.

Với kinh phí khoảng 17 triệu USD, Love, Simon thu về 55 triệu USD và được xem là một trong những phim độc lập thành công nhất đầu năm nay.
“Con vẫn là con, Simon”

Một trong những điểm sáng ở cả Call Me by Your Name và Love, Simonlà cách xây dựng tâm lý và hành xử của những ông bố bà mẹ khi phát hiện ra con mình là gay. Trong Love, Simon, Emily (Jennifer Garner) là bà mẹ có tư tưởng phóng khoáng, gần như không có vấn đề gì khi nghe con trai mình tiết lộ là đồng tính.

Nhưng cách hành xử đầy thấu hiểu của Emily với cậu con trai sau đó mới khiến ta thực sự là cảm động và là điểm sáng nhân văn đáng khen ngợi ở bộ phim.

Cô nói: “Mẹ biết con có một bí mật. Khi con còn nhỏ, có vẻ con không để ý lắm. Nhưng vài năm qua, càng lúc mẹ càng thấy con đang cố che giấu một điều gì đó và mẹ cảm nhận con đang phải ngạt thở vì nó. Nhiều lần mẹ muốn hỏi con, nhưng mẹ không muốn xâm phạm vào cuộc sống riêng tư của con. Có lẽ mẹ đã mắc sai lầm”.

Mẹ của Simon là người phụ nữ có tư tưởng phóng khoáng, thấu hiểu và bảo vệ con.
Mẹ của Simon là người phụ nữ có tư tưởng phóng khoáng, thấu hiểu và bảo vệ con.

Simon trả lời: “Không, không, mẹ không mắc sai lầm gì cả”. Emily nói tiếp: “Đồng tính là chuyện cá nhân của con. Có những chuyện mà con buộc phải trải qua trong cô độc. Mẹ rất ghét điều đó. Ngay khi con nói rằng ‘Mẹ, con vẫn là con’, mẹ muốn con nghe điều này: ‘Con vẫn là con, Simon ạ’”.

“Con sẽ vẫn là đứa con trai mẹ yêu và thích chọc ghẹo, con vẫn là chỗ dựa của bố trong tất cả mọi chuyện. Và con vẫn là cậu anh trai luôn luôn khen ngợi cô em gái của mình với tài đầu bếp dở tệ của nó. Điều con cần là cảm thấy thoải mái, Simon ạ. Con xứng đáng nhận được những điều con muốn”.

Đoạn đối thoại cảm động và thấu hiểu giữa hai mẹ con là điểm sáng đầy nhân bản trong Love, Simon. Và phân đoạn này cũng khiến tôi nhớ đến đoạn đối thoại giữa hai cha con nhân vật chính trong Call Me by Your Name.
“Nếu ngọn lửa bùng lên, đừng dập tắt nó”

Sau chuyến đi chơi Rome cùng Oliver (Armie Hammer) và chia tay anh để trở lại Mỹ, Elio (Timothee Chalamet) trở về nhà với một trái tim tan vỡ. Khác với người mẹ lái xe đến đón cậu và tôn trọng sự riêng tư cũng như nỗi đau của con trai, người cha là giáo sư Perlman (Michael Stuhlbarg) dành một buổi nói chuyện với Elio.

Phân đoạn này được đạo diễn Luca Guadagnino xử lý tuyệt vời trong phim, đặc biệt là qua diễn xuất của Stuhlbarg. Nhưng cho dù xử lý thành công, ông vẫn không chuyển tải được hết đoạn đối thoại dài và theo tôi là đáng nhớ nhất trong cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn André Aciman.

Người cha nói với Elio rằng: "Trái tim và thân thể chúng ta chỉ được sống một lần". Ảnh: Warner Bros.
Người cha nói với Elio rằng: “Trái tim và thân thể chúng ta chỉ được sống một lần”. Ảnh: Warner Bros.

Ông nhìn con trai đầy âu yếm và không cần đợi cậu tiết lộ đã nói: “Cuộc đời của con, con sống như thế nào là chuyện của con. Nhưng hãy nhớ rằng, trái tim và thân thể của chúng ta chỉ được sống một lần mà thôi”.

“Hầu hết mọi người cứ như là có hai cuộc đời để sống vậy, một làm nháp, một hoàn chỉnh, rồi mọi phiên bản khác ở giữa. Nhưng chỉ có một mà thôi, trước khi con kịp nhận ra thì tim con đã mòn mỏi, còn thân thể con thì sẽ đến lúc chả ai thèm nhìn nữa chứ đừng nói là tới gần. Ngay lúc này thì có sầu khổ đó. Cha không ghen tị với nỗi đau. Nhưng cha ghen tị với nỗi đau của con”.

Xem thêm:

Và ngay khi thấy đôi mắt của cậu con trai ứa lệ và “chết lặng trong giây lát” (như mô tả trong tiểu thuyết), ông nói tiếp: “Con có một tình bạn đẹp. Có lẽ hơn cả tình bạn. Ở địa vị của cha, hầu hết các phụ huynh sẽ mong toàn bộ câu chuyện đó biến đi, hoặc cầu nguyện rằng con trai của họ sẽ vượt qua cho chóng”.

“Nhưng cha không phải là một phụ huynh như thế. Ở địa vị của con, nếu có nỗi đau, hãy nuôi dưỡng nó, và nếu ngọn lửa bùng lên, đừng dập tắt nó, đừng tàn bạo với nó. Sự từ bỏ có thể là thứ kinh khủng khi nó khiến ta tỉnh thức vào đêm, và khi những kẻ khác quên ta đi nhanh hơn ý muốn của ta”.

“Ta hi sinh bản thể quá nhiều để được chữa lành cho nhanh chóng, thế nên đến năm 30 tuổi ta đã cạn kiệt, chả còn gì để trao đi mỗi khi bắt đầu với một người mới. Nhưng chuyện không cảm nhận gì hết để tránh cảm nhận một điều cụ thể – thật là lãng phí”.

Love, Simon và Call Me by Your Name là những phim mà các bậc phụ huynh có con cái là người đồng tính nên xem. Ảnh: 20th Century Fox.
Love, Simon và Call Me by Your Name là những phim mà các bậc phụ huynh có con cái là người đồng tính nên xem. Ảnh: 20th Century Fox.

Và trước khi kết thúc cuộc trò chuyện mà chủ yếu ông là người nói, người cha nhắn nhủ với con trai rằng: “Chúng ta sẽ không được nói về chuyện này nữa. Nhưng cha hi vọng con sẽ không bao giờ ghét cha vì ta đã nói chuyện. Cha sẽ là một người cha kinh khủng nếu một ngày nào đó con muốn nói chuyện nhưng cảm thấy cánh cửa đã đóng hoặc mở không đủ”.

Call Me by Your Name và Love, Simon dù khác nhau ở nhiều điểm nhưng có một điểm chung đầy nhân bản như thế. Thật may mắn trong cuộc đời này, cho dù là đồng tính hay dị tính, bạn có được những bậc phụ huynh đầy thấu hiểu, mẫn tuệ và yêu thương con cái vô điều kiện như người mẹ Emily hay ông bố Perlman trong hai bộ phim này.

Và các bậc phụ huynh, nếu biết con mình là đồng tính, hãy xem Call My by Your Name và Love, Simon để học cách hành xử đầy nhân bản của những người cha cha mẹ trong hai bộ phim này.

Lê Hồng Lâm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here